screen-shot-2021-10-09-at-8-23-54-am-6109-1633750417.png
Tàu ngầm tấn công nhanh USS Connecticut trong chuyến thăm cảng Yokosuka, Nhật Bản, ngày 31/7. (Ảnh: US Navy)

“Mỹ cần làm rõ thêm những thông tin chi tiết về vụ việc, bao gồm vị trí cụ thể, ý định của chuyến đi, vật thể mà tàu đã đâm vào, nguy cơ sự cố gây ra rò rỉ hạt nhân khiến môi trường biển bị ô nhiễm”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.

“Mỹ vô trách nhiệm và thiếu minh bạch trong việc cố tình trì hoãn công bố và che giấu thông tin cụ thể về sự cố”, ông Triệu nói thêm.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đổ lỗi cho những hoạt động triển khai lực lượng và phương tiện Mỹ ở Biển Đông “dưới khẩu hiệu tự do hàng hải”.

“Đây là nguyên nhân gốc rễ của sự cố và gây ra mối đe doạ nghiêm trọng cho hoà bình và ổn định khu vực”, ông Triệu nói.

Tuyên bố được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra sau khi hải quân Mỹ có thông báo ngắn hôm 7/10, cho biết tàu ngầm tấn công chạy bằng nhiên liệu hạt nhân USS Connecticut đã “đâm vào một vật thể dưới nước” hôm 2/10, khi đang ở “vùng biển quốc tế của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Vật thể đó không được nêu là gì.

Các quan chức hải quân Mỹ nói với báo chí nước này rằng vụ việc xảy ra ở hải phận quốc tế của Biển Đông. Hải quân Mỹ cho biết các thuỷ thủ trên tàu “không bị thương đến mức đe doạ tính mạng” và con tàu “vẫn trong tình trạng ổn định và an toàn”.

Báo chí Mỹ đưa tin con tàu được đưa về căn cứ ở đảo Guam để đánh giá thiệt hại và sửa chữa.

Ông Collin Koh, một chuyên gia về an ninh hàng hải tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam, Singapore, cảnh báo rằng môi trường dưới đáy biển ở khu vực này rất phức tạp và cuộc chạy đua vũ trang về tàu ngầm hạt nhân làm gia tăng rủi ro xảy ra sự cố.

“Các vùng biển ở khu vực khá phức tạp cho hoạt động của tàu ngầm, ví dụ như vấn đề các tuyến hàng hải nông và hẹp có thể gây thách thức cho hoạt động dưới nước”, ông Koh nói.

Ông Koh cho rằng vụ việc gây quan ngại về khả năng hoạt động an toàn của các tàu ngầm hạt nhân ở khu vực, trong khi Úc đang chuẩn bị chế tạo một đội tàu ngầm hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh.

“Mối quan ngại của tôi là trong tương lai, khi tàu ngầm được phổ biến ở khu vực, rủi ro xảy ra sự cố dưới nước cũng tăng lên. Mới cách đây không lâu, một tàu ngầm Nhật Bản đã va vào tàu thương mại trên Thái Bình Dương”, ông Koh nói.

Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học công nghệ Yuan Wang ở Bắc Kinh, nói rằng vụ tàu ngầm Connecticut gợi nhớ lại tai nạn chết người cách đây 21 năm của K-141 Kursk - tàu ngầm tên lửa hành trình chạy bằng nhiên liệu hạt nhân của Nga.

Vụ thử ngư lôi thất bại vào ngày 12/8/2000 gây ra vụ nổ lớn khiến tàu Kursk bị đắm trên biển Barents, tất cả 118 thuỷ thủ trên tàu thiệt mạng.

Tai nạn đó không gây rò rỉ hạt nhân hay ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, vì các vách ngăn của tàu có thể chịu đựng sức ép của vụ nổ, giúp hai lò phản ứng của con tàu tự động đóng lại.

Nhưng trong khi tàu ngầm Nga có hai lớp vỏ, gồm một lớp chịu áp lực bên trong và lớp nhẹ hơn bên ngoài, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ chỉ có một lớp vỏ, vì thế có nguy cơ rò rỉ hạt nhân nếu tàu đâm va quá mạnh, ông Zhou nói./ .