Hơn một năm rưỡi đã trôi qua và mặc dù đã tiến tới mốc tiêm được 1,9 tỷ liều vaccine Covid-19, song đến nay Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược “không ca mắc”. Theo chuyên gia nước này, sẽ đến lúc Trung Quốc thay đổi chiến lược này, nhưng cần căn cứ vào tình hình dịch thế giới.
Thực hiện chiến lược “không ca mắc” hay chuyển sang học cách “sống chung với Covid-19” là điều được giới chuyên gia và dư luận Trung Quốc quan tâm thời gian qua. Tuy nhiên, dựa trên những gì nước này đã làm trong đợt dịch cộng đồng mới bùng phát, có thể thấy, Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách “không ca nhiễm”.
Có nhận định cho rằng, nước này sẽ thực thi các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt ít nhất đến hết Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 dự kiến tổ chức vào tháng 2 năm sau.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Phượng Hoàng mới đây, ông Tăng Quang, chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng của Trung Quốc cho rằng, không nên tranh cãi về việc thực hiện “không ca nhiễm” hay “sống chung với Covid-19”, bởi hai điều này không mâu thuẫn với nhau.
Theo ông, cho đến nay, chiến lược “không ca mắc/nhiễm” vẫn có lợi cho Trung Quốc hơn là có hại, bởi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa ổn định, tỷ lệ tiêm phòng của nước này chưa đủ và vaccine vẫn chưa kịp cập nhật.
Ông nhấn mạnh, trong tương lai, khi tình hình dịch quốc tế thay đổi, Trung Quốc cũng sẽ thay đổi. “Ai nói Trung Quốc sẽ luôn thực hiện ‘không ca nhiễm’. Giờ vẫn thực hiện, nhưng khi lợi ích của ‘không ca nhiễm’ không còn nữa, chúng ta sẽ không thực hiện nữa. Điều này phụ thuộc vào sự phát triển của cuộc chiến, không nên dùng chính sách hiện tại để đánh giá chính sách của Trung Quốc trong tương lai. Kẻ thù thay đổi, môi trường thay đổi, chúng ta cũng phải thay đổi.”
Tuy nhiên, ông Tăng Quang cũng nhấn mạnh, ông không chủ trương Trung Quốc mở cửa đất nước trước, mà nên xem xét dựa trên tình hình thực tế mở cửa của các nước khác. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm để tránh phạm phải sai lầm.
Trên thực tế, khi Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 đang đến gần, Trung Quốc đặc biệt là Bắc Kinh vẫn đang thực thi các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo sự kiện thể thao này được tổ chức an toàn và đúng thời điểm.
Theo các chuyên gia nước này, Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 cho các nhân viên liên quan đến Thế vận hội, vì chủng Delta đang gây ra sự gia tăng của các ca “lây nhiễm đột phá”. Cũng theo chuyên gia, kỳ Olympic này ở Trung Quốc vẫn có thể có khán giả trong nước vì nhiều sự kiện sẽ được tổ chức ngoài trời.
Được biết, Ban Tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 đã cử 34 người sang Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm từ Thế vận hội Tokyo về các biện pháp phòng chống dịch. So với Tokyo 2020, Bắc Kinh 2022 có cả thuận lợi và thách thức. Bên cạnh ưu thế là có nhiều kinh nghiệm thành công trong kiểm soát dịch, Trung Quốc cũng đang đứng trước thách thức khi mùa Đông là thời điểm virus đường hô hấp nhiều hơn và tồn tại lâu hơn.
VOV.VN - Israel có công nghệ hiện đại và tiên phong trong tiêm chủng ngừa Covid-19, với tỷ lệ tiêm chủng cao, bằng cả vaccine ngoại và nội. Nhưng họ vẫn hứng chịu những tổn thất lớn trong cuộc chiến với dịch bệnh này. Bài học xương máu của họ là gì?
Còn tại Australia, trước thực tế ngày càng có nhiều người dưới 18 tuổi bị Covid-19, hôm nay (18/8), thủ tướng nước này cho biết các cơ quan chức năng của Australia đang chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Biến thể Delta đang làm cho dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia, trong đó có Australia trở nên trầm trọng khi số ca bệnh tăng nhanh chóng. Đặc biệt việc nhiều trẻ em mắc biến thể này làm gia tăng sự lo lắng trong xã hội. Số liệu thống kê của Bộ Y tế Australia cho thấy, đến lúc này, nước này đã có 7097 trẻ em dưới 19 tuổi bị Covid-19. Đa phần trong số này mắc bệnh trong đợt bùng phát dịch Covid-19 biến thể Delta. Trong đó, 2.877 là trẻ em từ 0 đến 9 tuổi và số còn lại là các em từ 10 tuổi đến 18 tuổi.
Hiện Cơ quan quản lý hàng hóa trị liệu Australia đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Tuy vậy, Nhóm tư vấn tiêm chủng của nước này mới chỉ khuyến cáo tiêm vaccine Pfizer cho người từ 16 tuổi trở lên. Và chỉ một số trường hợp các em từ 12 đến 15 tuổi mắc bệnh lý nền, sống ở vùng sâu, vùng xa hoặc là người bản địa mới được khuyến khích tiêm vaccine Pfizer. Như vậy còn một số lượng lớn trẻ em từ 12 đến 15 tuổi vẫn chưa được đưa vào diện tiêm chủng.
Về vấn đề này, hôm nay (18/8), Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, hiện các cơ quan chức năng của nước này đang thảo luận về việc tiêm vaccine cho trẻ em nhóm độ tuổi này.
Tuy đến thời điểm hiện tại, Nhóm tư vấn tiêm chủng Australia vẫn còn đang cân nhắc về điều này song Thủ tướng Scott Morrison cho biết hiện kế hoạch tiêm chủng cho nhóm trẻ em từ 12 đến 15 tuổi đang được tiến hành và sẽ sẵn sàng khi Nhóm tư vấn tiêm chủng đưa ra lời khuyên về vấn đề này.
“Nhóm tư vấn tiêm chủng của Australia đang thảo luận với các đồng nghiệp của Anh về việc mở rộng đối tượng tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Nếu Nhóm tư vấn tiêm chủng khuyên nên tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi này thì việc chuẩn bị đã được tiến hành. Đây là chủ đề được Nội các liên bang mở rộng thảo luận thường xuyên. Trong đó chúng tôi đề cập 2 hệ thống tiêm chủng, thứ nhất là tiêm tại các địa điểm tiêm chủng của các bang và thứ hai là tiêm tại trường học. Hiện nay chúng tôi đã lên kế hoạch về việc làm thế nào để triển khai công việc này”.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV thường trú tại Australia ngày hôm nay (18/8) giáo sư Jodie McVernon, Giám đốc Dịch tễ học của Viện nghiên cứu Peter Doherty cho biết, sở dĩ hiện đến giờ Australia mới chỉ khuyến cáo tiêm vaccine Pfizer cho những trẻ em dễ bị tổn thương trong nhóm tuổi từ 12 đến 15 tuổi vì các em có bệnh nền cần được bảo vệ sức khỏe trong khi trẻ em ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn hơn cũng cần được ưu tiên.
Với các em còn lại trong độ tuổi này thì rủi ro thấp hơn nên sẽ được tiêm sau cha mẹ: “Trong mục tiêu làm giảm tỷ lệ lây nhiễm ở giai đoạn tiếp theo, chúng tôi vẫn thấy rằng trẻ em trong nhóm tuổi này không phải là đối tượng bị tác động nhiều. Theo hiểu biết của chúng tôi thì trẻ em vẫn ít bị nhiễm bệnh hơn so với người lớn. Tuy với biến thể Delta, tỷ lệ lây nhiễm ở mọi lứa tuổi đều tăng nên chúng ta thấy có nhiều trẻ em mắc bệnh hơn nhưng nếu so với người lớn thì tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ em vẫn thấp hơn. Vì vậy chúng tôi vẫn khuyến cáo tiêm chủng cho bố mẹ trước rồi sau đó mới tiêm cho các em nhỏ”.
Các tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan nhanh tại Australia. Hôm nay, bang New South Wales, bang đông dân nhất Australia và cũng là nơi dịch diễn biến phức tạp nhất đã ghi nhận số ca bệnh cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện từ năm ngoái cho đến nay với 633 ca mới và 3 người thiệt mạng. Không dừng lại ở đó, các chuyên gia cho rằng, trong những ngày tới, số ca bệnh sẽ vẫn tiếp tục tăng. Tại bang Victoria, số ca Covid-19 mới được ghi nhận trong ngày hôm nay cũng lên tới 24 trong khi con số này của vùng lãnh thổ thủ đô Canberra là 22. Tính đến hôm nay, khoảng 13 triệu dân thuộc 5 trong tổng số 8 bang và vùng lãnh thổ của Australia đang phải sống trong điều kiện phong tỏa./.