Sắc lệnh trừng phạt 59 công ty Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Joe Biden mới công bố không chỉ là nền tảng để Washington áp thêm nhiều lệnh trừng phạt hơn nữa nhằm vào Bắc Kinh mà còn “chữa cháy” cho quyết định cũ dưới thời ông Donald Trump.
Hạ tiêu chí, mở phạm vi
Nhận định trên được rất nhiều chuyên gia luật của Mỹ và Hong Kong đưa ra sau khi phân tích cụ thể lệnh trừng phạt mà chính quyền ông Biden công bố cuối tuần qua, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, sắc lệnh hành pháp mới cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty đã hoặc đang vận hành trong lĩnh vực quốc phòng/ vật tư liên quan, hoặc trong lĩnh vực công nghệ do thám hay được sở hữu/kiểm soát bởi những người có liên quan tới các hoạt động trên của Trung Quốc.
Mục đích chính của sắc lệnh là hạn chế dòng tiền chảy vào những công ty gây tổn hại tới an ninh hoặc “giá trị dân chủ” của Mỹ. Đây là điểm khởi đầu cho phép “danh sách đen” có thể bao hàm cả những hành vi mà Washington cáo buộc là “lạm dụng nhân quyền”.
Sắc lệnh này được xây dựng dựa trên nền tảng của lệnh trừng phạt mà chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump từng công bố vào thời điểm cuối nhiệm kỳ.
Trong đó, chính quyền Trump chỉ đặt ra lệnh cấm với các công ty quân sự Trung Quốc mà theo định nghĩa của Đạo Luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia, là những công ty thuộc sở hữu/kiểm soát/liên kết với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan cấp Bộ hoặc các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Bắc Kinh.
Theo ông Kevin Wolf, một luật sư làm việc tại Washington, từng là quan chức Bộ Thương mại Mỹ: “Quy mô áp dụng của lệnh trừng phạt bổ sung sẽ rộng hơn và hạ tiêu chí xét trừng phạt xuống thấp hơn”.
Sắc lệnh bổ sung đã bỏ đi điều kiện “có liên quan trực tiếp tới nhà nước Trung Quốc”, thay vào đó sử dụng nhiều từ ngữ mở, đó là “một công ty vận hành trong lĩnh vực quốc phòng hoặc/do thám”.
Dựa trên tiêu chí mới, chính quyền Joe Biden đã giữ lại 26 công ty nằm trong lệnh cấm ban đầu dưới thời ông Donald Trump và bổ sung 33 công ty/thực thể khác vào sắc lệnh mới, nâng tổng số công ty bị liệt vào “danh sách đen” lên 59. Quyết định sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 8.
Với tiêu chí thấp hơn và phạm vi bao quát rộng hơn, khả năng cao chính quyền Joe Biden sẽ còn rà soát để bổ sung thêm nhiều công ty khác của Trung Quốc vào sắc lệnh.
Đồng tình với luận điểm này, ông Bill Reinsch, cố vấn cấp cao làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) nhận định, qua sắc lệnh mới của chính quyền Biden, số lượng công ty bị trừng phạt có nhiều hay không sẽ tuỳ thuộc vào mức độ gay gắt mà Mỹ muốn thể hiện.
“Về lý thuyết, “danh sách đen” này có thể mở rộng đáng kể”, ông Reinsch nói thêm.
Không còn “tuỳ tiện, bốc đồng” như thời tiền nhiệm
Theo các chuyên gia, sắc lệnh mới của ông Joe Biden còn nhằm củng cố, lấp những hớ hênh trong việc đưa ra chế tài được chính quyền Donald Trump ban bố.
Vì lệnh cũ còn nhiều lỗ hổng và sai sót nên đã có 3 công ty Trung Quốc là Xiaomi, Loukung hay Gowin Semiconductor khiếu nại lên toà án. Hai trong số đó được toà án chấp nhận đưa ra khỏi danh sách; công ty thứ 3 chưa nhận được phán quyết.
Ông Bill Reinsch cho biết: “Toà án thường rất hạn chế ra phán quyết bãi bỏ sắc lệnh của Tổng thống, nhất là những quyết định liên quan tới an ninh quốc gia. Họ chỉ làm vậy khi sắc lệnh được biên thảo kém và không thể bảo vệ được những quyết định đó”.
Nhà sản xuất điện thoại Bắc Kinh Xiaomi là công ty đầu tiên của Trung Quốc khiếu nại và chỉ ra lỗi trong sắc lệnh của ông Trump. Công ty này đã mất khoảng 10 tỷ USD giá trị vốn hoá thị trường ngay trong tháng mà Tổng thống Trump ký lệnh trừng phạt.
Thời điểm đó, một trong những bằng chứng mà chính quyền Trump đưa ra để cáo buộc Xiaomi là vì Chủ tịch tập đoàn này đã nhận được 1 giải thưởng nhà nước Trung Quốc. Trong khi thực tế có tới hơn 500 doanh nhân Trung Quốc khác đã nhận giải thưởng tương tự kể từ năm 2004.
Chính quyền Trump cũng chỉ trích hoạt động đầu tư của Xiaomi vào công nghệ viễn thông 5G và trí tuệ nhân tạo. Song, thẩm phán lập luận rằng, đây chỉ là tiêu chuẩn cho dịch vụ khách hàng của Xiaomi chứ không liên quan tới hoạt động hiện đại hoá quân sự.
Do đó, tháng 3 vừa rồi, toà án của liên bang Mỹ phán quyết, bỏ Xiaomi ra khỏi danh sách vì thiếu bằng chứng chứng minh công ty này có liên quan tới quân đội hoặc chính quyền Trung Quốc.
Một thẩm phán còn đánh giá, hành động của chính quyền ông Trump với Xiaomi là “tuỳ tiện và bốc đồng”. Cuối cùng, mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ và Xiaomi đã đạt thoả thuận chính thức loại công ty này ra khỏi “danh sách đen”.
Một công ty khác cũng thoát lệnh trừng phạt của ông Trump là Luokung Technology Corp, chuyên về công nghệ vẽ bản đồ.
Ông Wendy Wysong, luật sư làm việc tại Hong Kong nhận định, “danh sách đen” dưới thời ông Biden có vẻ dựa trên cơ sở chắc chắn hơn. Danh sách này rất khó bị khiếu nại vì cơ sở của nó khá mạnh. Tiêu chí xét trừng phạt được viết mở hơn”.
Hiện tại, cả 3 công ty Xiaomi, Loukung hay Gowin Semiconductor đều không đưa vào danh sách bổ sung dưới thời ông Biden.
Nhưng vẫn còn rất nhiều công ty lớn của Trung Quốc vốn nằm trong “danh sách đen” dưới thời ông Trump nay tiếp tục bị cấm theo sắc lệnh của ông Biden là Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC), Công ty TNHH Công nghệ Kỹ thuật Hikvision Hàng Châu, Công ty TNHH Kỹ thuật Huaweii và Tập đoàn Sản xuất chíp bán dẫn quốc tế…