Nguy cơ bất ổn hiện hữu
Mỹ, Nga và Trung Quốc đang chạy đua để đối phó những gì mà cả 3 nước cho là mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với sự ổn định ở Trung Á - nơi đang diễn ra cuộc cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa các cường quốc, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột.
Phát biểu trong cuộc họp hội đồng quân sự tại Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Quốc gia tại Moscow ngày 25/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Bộ này đang thực hiện kế hoạch tăng cường đào tạo và trang bị cho Quân khu Trung tâm để đối phó với những mối đe dọa dọc theo khu vực biên giới của Nga.
“Trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng gia tăng tại khu vực chiến lược Trung Á, Quân khu Trung tâm của Nga tiếp tục tăng cường huấn luyện chiến đấu”, ông Sergei Shoigu nói.
Nga đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng với Trung Quốc, Kazakhstan và Mông Cổ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chính thức rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 4/2021. Dù luôn phản đối sự hiện diện quân sự của Washington tại Afghanistan nhưng Moscow cũng phải thừa nhận rằng, việc Mỹ rút quân sẽ khiến tình hình an ninh của nước này trở nên xấu hơn trong bối cảnh giao tranh giữa chính phủ Afghanistan với lực lượng Taliban tiếp diễn và nguy cơ bất ổn có thể lan ra các nước láng giềng Trung Á.
Ông Andrei Serenko, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Afghanistan hiện đại (trụ sở tại Moscow) nhận xét rằng, khu vực Trung Á được xem như điểm yếu của Nga và tình hình ở Afghanistan có thể tác động đến vị thế của Nga trong khu vực.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cũng bày tỏ lo ngại về sự bất ổn an ninh tại Afghanistan. Trong bài phát biểu tại một sự kiện trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ngày 23/6 vừa qua, Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) đã đưa ra đánh giá về nguy cơ rủi ro trên khắp khu vực Trung Á và Trung Đông. Ông cho biết thêm: “Ưu tiên hàng đầu của tôi là hoàn tất việc rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Afghanistan một cách có trật tự, an toàn và sớm nhất có thể, bên cạnh đó là ngăn chặn các tổ chức cực đoan không bao giờ có thể tấn công nước Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ”.
Trung Quốc muốn làm đối trọng với Mỹ
Sau khi Mỹ bắt đầu rút quân tại Afghanistan vào tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một tuyên bố chung về các cuộc thảo luận của Washington với 5 nước Trung Á – được gọi là C5 (bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan). Tuyên bố nêu rõ Mỹ và nhóm C5 sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác an ninh, nhằm đảm bảo an ninh, ổn định trong khu vực, chống lại các mối đe dọa xuyên biên giới, đặc biệt là mối đe dọa từ Afghanistan.
Mặc dù không có thông tin nào đề cập kế hoạch xây dựng căn cứ của Mỹ tại những quốc gia này song Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ một số quan chức cho biết, Tajikistan và Uzbekistan nhiều khả năng sẽ cho phép quân đội Mỹ đồn trú. Trước đây, Mỹ và các đồng minh khác trong khối NATO đã triển khai binh sỹ tới Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ ở Afghanistan. Tuy nhiên, sự xáo trộn về chính trị và tâm lý chán chường, mệt mỏi trước các cuộc xung đột đã khiến Mỹ và đồng minh quyết định rút quân sau nhiều năm tham chiến. Theo Wall Street Journal, Nhà Trắng đang xem xét tái điều động một số bộ phận binh sĩ từ Afghanistan đến Tajikistan hoặc Uzbekistan.
Kế hoạch thiết lập sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Á đã khiến Trung Quốc "đứng ngồi không yên". Một tuần sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố thông tin về cuộc đối thoại giữa nước này với nhóm C5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chủ trì cuộc gặp với nhóm C5 ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ông nêu bật những sáng kiến mà Bắc Kinh đang thực hiện trên khắp khu vực và cam kết “sẽ kiên quyết trấn áp chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai".
“Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác để ngăn chặn các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, đảm bảo an ninh mạng, quản lý tổ chức phi chính phủ và nỗ lực tạo ra một “Cơn đường Tơ lụa an toàn”. Chúng tôi sẽ thể hiện sự ủng lộ lẫn nhau trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, phản đối sự can thiệp của nước ngoài và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực”, Ngoại trưởng Vương Nghị nêu rõ.
Hội tụ lợi ích của Nga và Trung Quốc
Hiện tại, nhiều quốc gia Trung Á đang nằm ở “ngã tư chiến lược” của Sáng kiến Vành đai-Con đường do Trung Quốc thực hiện và Liên minh Kinh tế Á-Âu của Nga. Cả hai dự án này đều nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng của các nước thành viên.
Liên quan đến các sáng kiến an ninh chung, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể của Nga. Trong khi đó, cả 4 quốc gia này, cùng với Ấn Độ, Pakistan và Uzbekistan đều là thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc dẫn đầu.
Sự hội tụ lợi ích của Nga và Trung Quốc ở khu vực Trung Á được thể hiện rõ ràng tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow diễn ra trong hai ngày 23 và 24/6, với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, các quan chức an ninh hàng đầu của Nga và nhiều quan chức quốc tế khác.
Tại hội nghị, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev cảnh báo về "sự suy giảm an ninh ở Afghanistan khi các lực lượng quân sự của Mỹ và NATO rút đi”. Ông hy vọng Mỹ và các đồng minh sẽ giữ cam kết lâu dài với Kabul, song cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm mở rộng sự hiện diện quân sự tại Trung Á.
“Chúng tôi không chấp nhận việc sử dụng vấn đề Afghanistan để giải quyết các vấn đề chính trị khác, trong đó có việc các quốc gia không thuộc khu vực Trung Á muốn thiết lập sự hiện diện quân sự tại đây”, ông Patrushev nói.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc thông báo hai nhà lãnh đạo của nước này sẽ có cuộc hội đàm trực tuyến vào ngày 28/6, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước Láng giềng tốt, Hữu nghị và Hợp tác. Điện Kremlin cho biết, cuộc hội đàm sẽ đề cập “tình hình hiện tại và triển vọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc” cùng "các vấn đề thời sự trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế".
Với vai trò quan trọng về địa chính trị và giàu tài nguyên, Trung Á đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" không chỉ Nga, Mỹ, Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác thèm muốn. Nga và Trung Quốc có thể cạnh tranh, nhưng họ khó có thể trở thành đối thủ của nhau. Vì thế sẽ không ngạc nhiên nếu hai nước này bắt tay để kiềm chế sự hiện diện của Mỹ và phương Tây tại khu vực Trung Á.
Sự cạnh tranh giữa các cường quốc dù tạo ra nhiều thách thức những cũng đem lại những lợi ích tích cực cho các quốc gia Trung Á. Vấn đề nằm ở chỗ, họ (các quốc gia Trung Á) cần tìm ra hướng đi thích hợp để tận dụng được lợi ích mà yếu tố địa chính trị khu vực mang lại./.