Hương Sơn là huyện biên giới của Hà Tĩnh với các đặc sản nổi tiếng như mật ong, nhung hươu. Hiện nay, cơ sở chăn nuôi, sản xuất của vợ chồng anh Bạch Văn Thắng (SN 1989) trú tại thôn Hàm Giang, xã Sơn Hàm có đàn hươu sao 30 con và 100 tổ ong cho thu nhập khá từ những đặc sản quê hương.
Dẫn tôi đi thăm đàn ong, anh Thắng cho biết sau khi học xong phổ thông, anh vào làm việc tại miền Nam 3 năm rồi quay trở về địa phương lập nghiệp. Năm 2015, anh bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề nuôi ong lấy mật.
“Do chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức, nên sau một năm chăn nuôi, đàn ong có 15 tổ đã bỏ đi, còn đàn hươu 3 con thì không phát triển và không cho thu nhập” – anh Thắng cho hay.
Cuối năm 2015, anh Thắng lập gia đình với chị Nguyễn Thị Ngân là người cùng xã. Đến nay, vợ chồng đã có 1 cháu trai và 1 cháu gái.
Ổn định cuộc sống gia đình, vợ chồng Thắng - Ngân lại bắt tay gây đàn nuôi ong lấy mật. Ban đầu, 2 vợ chồng gặp không ít khó khăn. Do mới vào nghề nên cả hai thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu môi trường khí hậu, đặc tính sinh học của loài ong, kỹ thuật chăn nuôi ong…
Hai vợ chồng vừa làm vừa học, tham khảo thông tin trên mạng, tham quan học hỏi mô hình thực tế, từ đó quản lý được đàn ong hiệu quả và thành công ngoài mong đợi.
Hiện cơ sở nuôi ong của hai vợ chồng đã phát triển được 100 tổ, chia thành 3 đàn, với 3 địa điểm khác nhau để tận dụng nguồn thức ăn từ các loài hoa rừng.
Sau khi thu hoạch mật ong, anh chị chở mật ong lên cơ sở Cường Nga tại xã Quang Diệm để hạ thuỷ phần, đưa mực nước trong mật ong về tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Mỗi năm thu nhập trên 5 tạ mật ong, giá bán mỗi lít 350 ngàn đồng, doanh thu hơn 100 triệu đồng.
Ngoài người thân quen trong và ngoài huyện, khách hàng của cơ sở còn có nhiều người từ Hà Nội, TP. HCM, do chất lượng mật ong nguyên chất, độ tinh khiết cao.
Anh chị còn nhân giống ong chúa, nhân đàn bán cho khách hàng với giá một đàn gồm 3 cầu, có cả thùng 800 nghìn, bình quân mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 50 đàn, thu về 40 triệu đồng.
“Để nuôi ong thành công, trước hết phải có nguồn hoa dồi dào, đa dạng, môi trường trong sạch, có cây cối tạo bóng mát cho đàn ong cư trú. Đặc biệt là không có hoá chất, nếu có hoá chất ong sẽ chết, hoặc kéo cả đàn đi.
Giống ong nội địa của Việt Nam đã được thuần dưỡng rất công phu, nếu chọn giống không tốt, hoặc đánh bắt ong rừng về nuôi, đàn ong sẽ không thích nghi với môi trường nuôi nhốt sẽ tìm đường ra đi” anh Thắng chia sẻ.
Theo anh Thắng, người nuôi ong phải thường xuyên vệ sinh thùng nuôi sạch sẽ, vị trí đặt tổ ong phải thích hợp, không có mùi hôi thối, quá trình nhân đàn, chia đàn, tạo chúa phải đúng thời điểm, trong đó ong chúa là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển khoẻ mạnh của đàn ong.
Vợ chồng Thắng Ngân còn mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi thêm đàn hươu 30 con, với phương châm vừa lấy nhung hươu, vừa bán con giống.
Hiện tại, giá thị trường mỗi con hươu đực 3 tháng tuổi giá 35 triệu đồng, hươu cái 25 triệu đồng/con, tổng nguồn thu nhập từ nuôi hươu khoảng 170 triệu đồng mỗi năm.
Ngoài ra, anh Bạch Văn Thắng còn kinh doanh hãng sơn gần 10 năm nay, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động là người địa phương, thu nhập được trả theo giá trị sản phẩm mỗi công trình. Nghề sơn cũng cho chu nhập khá ổn định, mỗi năm thu nhập khoảng 80 triệu đồng.
Năm 2016, hộ Bạch Văn Thắng được tặng danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Anh Thắng mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện để sản phẩm mật ong nuôi Thắng Ngân trở thành thương hiệu OCOP của tỉnh.
Theo Minh Lý - laodong.vn