Khu vực miền Tây nước Mỹ có những tán cây khổng lồ, xanh mát nhưng mọc gần đường dây điện, có thể gây ra những đám cháy rừng hủy diệt.

Thực tế, 70% trường hợp mất điện là do thảm thực vật gây ra và con số này đã tăng 19% so với cùng kỳ giai đoạn từ năm 2009-2020. Thảm họa cháy rừng lớn thứ hai trong lịch sử California, đám cháy Dixie, bùng phát khi đường dây điện tiếp xúc với một cây linh sam.

Trong bối cảnh đó, Công ty Hitachi Energy tại Mỹ đã đưa ra giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có tên Hitachi Vegetation Manager để đối phó nguy cơ cháy rừng khi  cây cối phát triển.

a-1653822553.png

Hitachi Energy sử dụng AI phân tích cây cối để ngăn chặn cháy rừng. Ảnh: VentureBeat

Công ty Hitachi Energy tuyên bố: "Đây là giải pháp lập kế hoạch tài nguyên thực vật vòng khép kín đầu tiên sử dụng AI phân tích để cải thiện độ chính xác và hiệu quả của các hoạt động giám sát thực vật. Cùng đó là nỗ lực lập kế hoạch phát triển quản lý thảm thực vật của các tổ chức".

Giải pháp mới sử dụng các thuật toán, lấy hình ảnh cây cối và rừng từ nhiều nguồn hình ảnh khác nhau, bao gồm cả ảnh, video và hình ảnh từ các vệ tinh thương mại Maxar.

Bằng cách kết hợp các hình ảnh với khí hậu, hệ sinh thái và dữ liệu kế hoạch cắt giảm cũng như các thuật toán học máy. Từ đó, Hitachi Vegetation Manager cung cấp các tiện ích với khả năng hiển thị trên toàn mạng lưới và thông tin chi tiết tốt hơn để các tổ chức có thể tối ưu hóa việc ra quyết định.

"AI sẽ phân tích các ảnh vệ tinh chụp từ xa. Từ đó, chúng tôi có thể tối ưu hóa và lập kế hoạch tốt hơn để giải quyết các khu vực cần quan tâm. Điều này cũng sẽ giảm chi phí và lượng khí thải so với các chuyến đi thực tế bằng xe tải, máy bay trực thăng. Cuối cùng là giảm thiểu tình trạng mất điện và hỏa hoạn do thảm thực vật gây ra" - người phụ trách dự án của Hitachi Energy cho biết.

Việc sử dụng AI để theo dõi và phân tích thảm thực vật là đặc biệt cần thiết đối với các công ty tiện ích trên khắp thế giới - nơi đang đối phó với những thách thức chưa từng có liên quan đến khí hậu. Trong năm 2021, các trận cháy rừng toàn cầu đã tạo ra tổng cộng ước tính khoảng 6.450 mega tấn CO2, tương đương hơn 148% so với tổng lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch của Liên minh châu Âu (EU) năm 2020 .

Giải pháp của Hitachi Energy giúp các công ty tiện ích không cần những người trồng cây phải đi vòng nhiều km quanh đường dây điện, để xác định các loài cây đang phát triển có thể đe dọa lưới điện. 

Sau khi dữ liệu loài được đưa vào mô hình, thuật toán có thể lấy dữ liệu lượng mưa thời tiết, phân tích hồ sơ tăng trưởng của loài cây và dự đoán nơi phát triển sẽ xảy ra hoặc không xảy ra cháy rừng, chập điện.