Trước sự việc một số cửa hàng tại chợ thuốc Hapulico, quận Thanh Xuân, Hà Nội treo biển “Không bán khẩu trang, nước rửa tay”, thậm chí có cá nhân viên bán hàng tại đây còn kêu gọi không bán khẩu trang trên mạng xã hội, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi này có thể bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Kêu gọi không nhập, không bán khẩu trang là vô đạo đức
Liên quan đến tình trạng trên, được biết, lực lượng quản lý thị trường đang phối hợp với công an vào cuộc kiểm tra, xử lý các trường hợp. Ban quản lý tòa nhà sẽ kiểm tra, xác nhận quầy thuốc không có khẩu trang hoặc còn hàng trong kho nhưng không bán để xử lý nghiêm theo quy định.
Phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân nhận định, trong khi cả xã hội đang nỗ lực chống lại dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra, không ít đơn vị phát khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng bệnh, tránh nguy cơ lây lan cho cộng đồng thì việc một vài cá nhân kêu gọi không nhập, không bán khẩu trang hoặc có hàng nhưng “găm” lại là hành động vô đạo đức, thiếu trách nhiệm, thể hiện sự ích kỷ, trục lợi, không thể chấp nhận được, khiến nhiều người dân bức xúc, phẫn nộ.
Theo quy định, khẩu trang y tế được coi là thiết bị y tế và phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia số TCVN 8389-1:2010 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Sản phẩm này thường được bày bán chủ yếu tại các cơ sở kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế và được sử dụng nhiều trong hoạt động y tế, khám chữa bệnh, phòng bệnh.
Điều 15 Luật Giá năm 2012 quy định, hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí sau: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người. Do đó, trong thời điểm này, khẩu trang y tế, nước rửa tay được coi là mặt hàng cơ bản, thiết yếu để người dân phòng chống dịch bệnh do virus corona gây ra.
Điều 31 Luật Dược đã quy định, nghĩa vụ của người hành nghề dược là tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược; Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm thiên tai, thảm họa.
Do đó, trong trường hợp các cơ sở kinh doanh khẩu trang y tế, nước rửa tay đầu cơ, không bán hàng, không chấp hành quyết định nhà nước trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm là vi phạm pháp luật.
Có thể xử lý hình sự?
Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, trong quá trình kiểm tra, nếu cơ quan chức năng phát hiện quầy thuốc nào có hành vi đầu cơ, “găm” hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay thì tùy theo tính chất, mức độ, động cơ, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng với cá nhân và từ 10-20 triệu đồng với tổ chức vi phạm. Ngoài ra người vi phạm còn bị tịch thu sung công quĩ nhà nước tiền thu lợi bất chính.
Bên cạnh đó, Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn cũng nêu rõ, hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Đối với hành vi không chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm thì bị xử phạt theo khoản 2 Điều 36 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, cá nhân vi phạm có thể bị thu hồi chứng chỉ hành nghề dược.
Luật Giá 2012 cũng nghiêm cấm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có các hành vi: Bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; Lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...
Nếu có căn cứ xác định nhóm người, nhóm cơ sở kinh doanh nào có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự về tội Đầu cơ theo Điều 196 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.