Vụ trẻ mầm non ngã gãy chân tại trường LEO DE VINCI
Pháp luật và Xã hội nhận được phản ánh của chị Nguyễn Hoa Phượng (trú tại phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Theo đó, chị Phượng tố mầm non LEO DE VINCI (số 68-69 Biệt thự TT4, TP Giao lưu, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm - thuộc Hệ thống giáo dục LEO DE VINCI) thiếu trách nhiệm khi xử lý trẻ gặp chấn thương trong lớp học.
Trẻ ngã gãy chân, cô giáo đổ tại số
Cụ thể, ngày 17/2, con trai chị Nguyễn Hoa Phượng là cháu T.T.P.N (SN 2020) bị ngã tại lớp học Mars của mầm non LEO DE VINCI. Hiện tình trạng cháu T.T.P.N đang điều trị gãy xương chày, có mảnh vỡ. Thời gian bó bột dự kiến 6 tuần, phục hồi dự kiến 8-10 tuần.
Theo chị Nguyễn Hoa Phượng, gia đình gửi con lúc hơn 8h30 sáng 17/2, khi đó lớp học có phát nhạc tập thể dục buổi sáng. Sau khi về nhà, đến 9h40 chị Phượng nhận được điện thoại của cô giáo (trong điện thoại có thể nghe rõ tiếng con khóc rất to) gọi bố mẹ tới đón, con bị ngã, trật cổ chân. Chị Phượng cho biết, khi tới nhận con, con vẫn khóc rất nhiều và sắc mặt con khác hẳn mọi khi.
“Tôi hỏi cô giáo con ngã ở đâu. Cô giáo nói con nhảy và làm động tác xoay, ngã ở mép thảm, cô thấy con ngồi thụp xuống, bị trật cổ chân. Con khóc nhiều nên cô đã cho lớp dừng học nhảy để dỗ cho con nín, một lúc con nín cô cho con ngồi học cùng cả lớp. Tới lúc cô gọi con đứng dậy trả bài thì con đứng dậy rồi khóc ré lên, lúc cô gọi cho mẹ là con khóc nhiều quá, cô không dỗ được”.
Tuy nhiên, theo chị Phượng, điều khiến chị càng thêm bức xúc là khi chứng kiến cảnh con bị đau, cô giáo chỉ biết nói: “Con tự ngã mẹ ạ. Không ai làm gì con đâu. Năm hạn, cái tuổi của con nó thế”.
Gia đình đưa con vào Bệnh viện Bảo Sơn chụp X-quang và được kết luận con bị gãy chéo 1/3 xương chày chân trái. Trên phim chụp còn có mảnh vỡ xương.
Chị Phượng cho biết, trong quá trình điều trị cho con hơn 1 tháng qua, gia đình đã cho con chụp X-quang 4 lần theo các chỉ định của bác sĩ, và lần tái khám gần nhất (14/3). "Vì còn cách thời gian tháo bột xa nên bác sĩ tại BV Phương Đông (nơi tôi chọn điều trị hiện tại) cũng khuyến cáo không chụp X-quang, vì con còn nhỏ, chụp nhiều lần tia X-quang sẽ ảnh hưởng trẻ. Đồng thời bác sĩ cũng đưa ra thông tin, chấn thương xương của con trai tôi khá nghiêm trọng, nếu là người lớn đã phải mổ và đóng đinh vào xương, tuy nhiên do bé tuổi quá nhỏ nên không thể can thiệp bằng mổ và đưa đinh vào cơ thể, chỉ có phương pháp bảo toàn bằng bó bột và chân sẽ không thẳng khi bỏ bột, cần thời gian ổn định tới khi trưởng thành", chị Phượng nói.
Cũng theo chị Phượng, qua trao đổi với các bác sĩ thì đây là một chấn thương nặng và cũng rất lạ. Bởi ở phần cẳng chân có xương chày và xương mác, trong đó xương chày to và chắc, xương mác rất mảnh nhưng con lại gãy chéo và có mảnh vỡ ở xương chày mà xương mác lại không sao. Tuy nhiên, khi gia đình yêu cầu trích xuất camera thì nhà trường lại không trích xuất được?!
Nhà trường yêu cầu gia đình xác nhận trẻ “tự ngã”
Theo yêu cầu của gia đình chị Phượng, 2 bên họp lần 1 ngày 9/3. Những tưởng, cuộc họp này sẽ giải đáp được những thắc mắc từ phía gia đình, tuy nhiên phía nhà trường lại yêu cầu gia đình ký biên bản xác nhận con “tự ngã”.
Chưa dừng lại ở đó, chị Phượng thông tin, vào đêm 15/3, 1 ngày sau buổi họp 14/3 với nhà trường, nhà trường đã đơn phương đưa ra những thông tin chưa được xác thực, nội dung thông tin không hề mô tả sự việc mà kết luận việc trẻ “nhảy, mất thăng bằng ngã trong lớp thì gia đình phải đưa đi chiếu chụp, không nên đưa đi thầy lang”.
“Điều này khiến phụ huynh khác học cùng con tôi vô cùng lo lắng và không hiểu về mặt pháp luật, bên nào trách nhiệm nào bảo vệ trẻ em trong nhà trường để xử lý đúng. Chúng tôi nhận thấy thông báo đó có chiều hướng đẩy hoàn toàn trách nhiệm vào gia đình khi trẻ ngã, tai nạn tại trường và việc đưa thông báo này là hình thức định hướng dư luận có biểu hiện lừa gạt”, chị Phượng cho hay.
Theo chị, nhà trường đã không hề nhắc tới chi tiết con trai chị hiện đang gãy xương, 1 chấn thương rất nặng và chỉ gãy xương to mà không gãy xương nhỏ.
Ngoài ra, tại cuộc họp lần 2 vào ngày 14/3 với nhà trường, trường đưa luật sư ra, mời gia đình ký biên bản thỏa thuận trả 1 phần chi phí điều trị, nếu gia đình không đồng ý là con “tự ngã” thì gia đình có thể làm đơn kiện cô giáo trông trẻ. Luật sư phía nhà trường còn cho rằng, kiện tụng sẽ vất vả, tốn thời gian, tiền bạc và nhiều bên tham gia vô cùng phức tạp để giám định.
Mập mờ trong cách gọi tên
Cho con theo học tại trường mầm non LEO DE VINCI đã gần 8 tháng với số tiền học hàng tháng lên tới 4 triệu đồng, tuy nhiên đến khi vụ việc xảy ra, chị Phượng và gia đình mới ngã ngửa khi biết tên gọi của trường là Ngôi Nhà Xanh.
Theo chị Phượng, trong biên bản làm việc với gia đình, trường LEO DE VINCI không hề nêu tên Hệ thống giáo dục LEO DE VINCI như cách trường tự xưng khi giao tiếp, truyền thông với học sinh, phụ huynh, cũng như gắn biển bảng khắp trong ngoài nhà trường mà trường chỉ đưa tên Ngôi Nhà Xanh 1. “Khi tôi thắc mắc thì đại diện nhà trường đã hỏi tôi có động cơ gì mà muốn đưa tên LEO DE VINCI vào, và sẽ không trả lời hôm nay, đề nghị tôi muốn làm rõ tên trường thì họp ở 1 buổi khác. Sau đó các vị này tiếp tục thông báo sẽ đi nước ngoài nhiều ngày, cũng không họp ngay với gia đình được”, chị cho hay.
Một trong những lí do khiến gia đình chọn cho trẻ học tại trưởng LEO DE VINCI, theo chị Phượng, là do lời quảng cáo ‘”Chuẩn đầu ra Florida, Hoa Kỳ”, “nơi có các cô giáo thân thiện, tràn đầy tình yêu thương bằng cả tâm mình”. Tuy nhiên, sau khi vụ việc xảy ra, nhà trường không hề thăm hỏi, cũng như có các biện pháp khắc phục mà liên tục có những động thái trốn tránh trách nhiệm.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại địa chỉ số 68-69 Biệt thự TT4, TP Giao Lưu, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm có tồn tại trường mầm non đang hoạt động với tấm biển to, nổi bật phía trên cổng ghi tên “Hệ thống giáo dục LEO DE VINCI”, còn tấm biển nhỏ hơn được gắn trên cổng trường phía dưới ghi tên “Ngôi Nhà Xanh 1&2”.
Để làm rõ hơn sự việc, phóng viên có liên hệ với cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, quản lý nhà trường, nhưng người này cho biết hiện việc cung cấp thông tin đã được phân công cho một người khác và người này đang làm việc với phường. Phóng viên cũng đã liên hệ làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bắc Từ Liêm cũng như UBND phường Cổ Nhuế 1, thế nhưng đã gần một tuần trôi qua vẫn chưa nhận được phản hồi từ những đơn vị này?
Pháp luật và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Theo Duy Linh - phapluatxahoi.kinhtedothi.vn