Dịch bệnh trên đàn gia súc ở tỉnh Kon Tum đang tiếp tục gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Tại hai xã biên giới Đăk Nhoong và Đăk Plô của huyện Đăk Glei của tỉnh này hiện đã có gần 200 con trâu, bò bị chết nghi do bị bệnh tụ huyết trùng.

Trâu, bò chết hàng loạt ở Kon Tum nghi do bệnh tụ huyết trùng
Người dân xã Đăk Plô đưa trâu chết đi tiêu hủy. Ảnh Trần Nhật Lam.

Sáng nay (1/6), ông A Mon, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết, tính từ ngày 11 đến hết ngày 31/5 tại 3 thôn của xã, gồm: Đăk Book, Pêng Lang và Bung Tôn có 69 con trâu, bò bị chết đã được chính quyền vận động người dân tổ chức tiêu hủy. Như vậy trung bình một ngày tại 3 thôn này của xã Đăk Plô có 3 con trâu, bò bị chết do dịch bệnh.

Cũng theo ông A Mon, nguyên nhân trâu, bò bị chết được ngành nông nghiệp huyện xác định do bệnh tụ huyết trùng. Trước tình trạng trâu bò bị bệnh chết nhiều, chính quyền xã đã vận động người dân đưa số gia súc thả rông về nuôi nhốt, tiêm thuốc phòng bệnh song hiện tượng trâu, bò bị chết vẫn tiếp tục xảy ra.

Trước đó tại huyện Đăk Glei, tình trạng trâu, bò chết đã được ghi nhận tại địa bàn xã biên giới lân cận với xã Đăk Plô là xã Đăk Nhoong từ tháng 4/2021. Ông A Nhập, Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong cho biết, đến nay số lượng trâu, bò chết nghi do bị bệnh tụ huyết trùng trên địa bàn xã đã lên tới trên 100 con.

Tại tỉnh Kon Tum dịch bệnh trên đàn gia súc đang có những diễn biến phức tạp và gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Hiện, cùng với ổ dịch khiến gần 200 trâu, bò chết tại 2 xã biên giới Đăk Nhoong và Đăk Plô của huyện Đăk Glei, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã ghi nhận bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò xuất hiện tại 3 huyện: Kon Plông, Sa Thầy và Ia H’Drai. Ngoài ra dịch tả lợn Châu Phi cũng có nguy cơ tiếp tục bùng phát bất cứ lúc nào./.