Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chính thức công bố thời điểm bắt đầu xây dựng kênh đào Istanbul vào khoảng cuối tháng 6 này. Tuy nhiên ngay từ khi công bố ý tưởng hồi tháng 3/2020, siêu dự án này đã vấp phải những quan điểm trái chiều.

Chiến lược thực tế hay chỉ là “đòn gió”?

Từ năm 2011, khi còn là Thủ tướng, ông Erdogan đã công bố một loạt các “dự án lớn” nhằm tăng GDP của đất nước đạt 2.000 tỷ USD vào năm 2023. Các dự án bao gồm sân bay mới của Istanbul có giá trị đầu tư 12 tỷ USD, dự kiến mở cửa hoàn toàn vào năm 2025 và phục vụ 200 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Tranh cãi về “siêu dự án” kênh đào Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ
Dự án kênh đào Istanbul gây nhiều tranh cãi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Wikipedia

Dự án thứ hai là xây dựng một tuyến đường bộ dọc theo bờ Biển Đen nối đến sân bay mới, với mục đích đưa hàng hóa tới châu Âu và châu Á.

Nhưng dự án lớn nhất và gây tranh cãi nhất là Kênh đào Istanbul với kinh phí dự kiến lên tới 9,2 tỷ USD, nhằm tạo một lối đi giữa Biển Đen với Biển Marmara, tránh qua eo biển Bosphorus, có chiều dài 45 km, rộng 275 m, sâu 25 m.

Thực tế, dự án này đã được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ấp ủ từ nhiều năm, nhưng chưa được triển khai. Thời gian gần đây, chính quyền Erdogan có những động thái quan tâm thúc đẩy một cách quyết liệt dự án này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, trong đó có sức ép từ trong nước ngày càng tăng, người dân có tâm lý bất mãn với đảng AKP cầm quyền (hiện chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ dưới 30%) do tình hình kinh tế đặc biệt khó khăn và trầm trọng hơn sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch, khiến xuất khẩu sụt giảm, đồng nội tệ mất giá mạnh và tỷ lệ thất nghiệp lên cao.

Nếu tình hình trên kéo dài sẽ không có lợi cho sự nghiệp chính trị của cá nhân Tổng thống Erdogan và uy tín của Đảng cầm quyền trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống đang tới gần.

Siêu dự án gây nhiều tranh cãi

Dưới góc nhìn về một dự án có tầm cỡ quốc gia và tiêu tốn vốn đầu tư ban đầu lên tới hàng chục tỷ USD, dự án xây dựng kênh đào Istanbul đang thu hút sự quan tâm đặc biệt lớn của dư luận trong nước cũng như bên ngoài, bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì cũng có nhiều ý kiến phản đối xuất phát từ chính nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới lãnh đạo từ Tổng thống Erdogan và những người ủng hộ cho rằng kênh đào mới là một trong những dự án lớn nhất thế giới, đại diện cho tầm nhìn của Thổ Nhĩ Kỳ và làm tăng thêm tầm quan trọng chiến lược của thành phố Istanbul. Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp giảm lưu lượng tàu bè dày đặc ở eo biển Bosphorus, một trong những tuyến đường biển đông đúc nhất trên thế giới, qua đó giảm được các vụ tai nạn đáng tiếc.

Ngoài ra, kênh đào còn có thể mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ nguồn lợi tương đương 8 tỷ USD/năm từ tiền thuế thu được của các các tàu đi qua đây, góp phần trang trải được chi phí xây dựng ước tính khoảng 15 tỷ USD trong hai năm đầu tiên, đồng thời tạo ra hàng chục việc làm cho người dân.

Tuy nhiên, dự án này cũng vấp phải sự phản đối dữ dội trong và ngoài Thổ Nhĩ Kỳ. Phe đối lập và những người phản đối, bao gồm cả Thị trưởng thành phố Istanbul, cho rằng kênh đào mới là một dự án “thảm khốc” sẽ đe dọa hệ sinh thái trên diện rộng và các khu vực khảo cổ xung quanh, thậm chí hoạt động khoan xây dựng sẽ phá hủy trữ lượng nước ngầm và có thể gây ra những trận lở đất và động đất.

Những người phản đối còn lo ngại rằng chi phí khổng lồ của dự án sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế đất nước và mọi công dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gánh chịu, đặc biệt là vấn đề tài trợ cho dự án không có kế hoạch rõ ràng. Một số quan chức quân sự về hưu kêu gọi Tổng thống Erdogan từ bỏ ý tưởng về kênh đào Istanbul, bởi có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ rời vào trung tâm của một cuộc xung đột quốc tế.

Trong khi đó, dự án Kênh đào Istanbul cũng dấy lên lo ngại của Nga về việc có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và mở ra cánh cửa cho sự hiện diện gia tăng của tàu chiến Mỹ ở Biển Đen. Vì vậy, Tổng thống Nga đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ thỏa thuận quốc tế được ký kết năm 1936 có lợi cho Nga về việc điều tiết giao thông hàng hải qua eo biển Bosphorus và ngăn chặn các cường quốc bên ngoài sử dụng eo biển để gây ra xung đột ở biển Đen.

Dự án Kênh đào Istanbul liệu có khả thi?

Siêu dự án kênh đào Istanbul được chính quyền Erdogan lên kế hoạch từ năm 2011. Mặc dù dự án liên tục bị đình trệ, nhưng đó là khoảng thời gian đủ để chính quyền có thể cân nhắc tính toán trước khi quyết tâm nối lại dự án này.

Tổng thống Erdogan đã nhiều lần khẳng định, chính quyền đã thực hiện tất cả các bước liên quan đến dự án, sẵn sàng các lựa chọn thay thế và triển khai thực hiện. Với việc thông báo thời điểm khởi công dự án vào cuối tháng 6 cho thấy chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể biến dự án trở thành hiện thực.

Thứ nhất, với tính chất là một siêu dự án khổng lồ thì Tổng thống Erdogan và đảng AKP rõ ràng đang đặt cược với sinh mệnh chính trị của mình. Do vậy chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải quyết tâm bằng mọi cách để thực hiện thành công dự án, khôi phục lại uy tín chính trị đã mất đi. Ngược lại, việc thất bại trong việc triển khai sẽ có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp lãnh đạo kéo dài liên tục suốt 18 năm qua của ông Erdogan và đảng cầm quyền.

Thứ hai, theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, các ngân hàng và công ty nước ngoài, trong đó có Trung Quốc cũng sẵn sàng tham gia cấp vốn bảo lãnh và dự thầu xây dựng dự án. Tổng thống Erdogan cũng thường gặp gỡ các quan chức Trung Quốc để đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn.

Thứ ba, bên cạnh những ý kiến phản đối thì vẫn có bộ phận không nhỏ người dân Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ dự án, bởi một mặt liên quan đến chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ và củng cố vị trí chiến lược của đất nước trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Mặt khác, họ cho rằng dự án sẽ mở ra một chân trời mới cho Istanbul thông qua những khoản lợi nhuận to lớn mà kênh đào mang lại, giúp thành phố trở thành một trung tâm thương mại toàn cầu quan trọng hơn nữa./.