toa-an-toi-cao-ba-lan-canh-bao-n-1633828702890-1633830748.jpg

Ngày 7/10, tòa án tối cao Ba Lan ra phán quyết khẳng định một số phần trong các hiệp ước của EU “không phù hợp” với Hiến pháp Ba Lan. Tuyên bố nêu trên của tòa án Ba Lan đã thách thức một trong những trụ cột tạo nên sự hợp nhất của EU.

Ủy ban châu Âu khẳng định, tính chất ràng buộc trong phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu là “giá trị cốt lõi” của EU. Phán quyết của tòa án Ba Lan gây tổn hại tính ưu việt của luật EU. Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho đây là hành động tấn công trực diện và kêu gọi EU xem xét áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Vacsava. Giới nghị sĩ EU cảnh báo về viễn cảnh u tối, khi căng thẳng vượt tầm kiểm soát có thể kích hoạt Polexit (Ba Lan rời EU).

Tranh cãi với Ba Lan nổi lên trong bối cảnh EU vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toán mở rộng khối. Ý định kết nạp 6 quốc gia, vùng lãnh thổ ở vùng Balkan được đưa ra từ 18 năm trước, một lần nữa được đem ra “cân đo”, song vẫn chưa được nhất trí tại Hội nghị cấp cao EU hôm 6/10. 

Khúc mắc lại được xới lên khi Bulgaria, một thành viên của EU, phản đối Bắc Macedonia gia nhập khối, vì yêu cầu phải công nhận ngôn ngữ Bắc Macedonia có nguồn gốc tiếng Bulgaria. Đáp lại, Bắc Macedonia nêu rõ, bản sắc và ngôn ngữ không phải là chủ đề có thể thảo luận. Để xử lý tranh cãi, một ủy ban gồm các nhà sử học của cả hai nước đã được thành lập từ lâu, song đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. 

Tại Hội nghị, Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và đối ngoại Josep Borrell chỉ có thể kêu gọi hai bên “phản ứng linh hoạt hơn”. Lợi ích địa chiến lược từ việc mở rộng quy mô liên minh là rất lớn. Vì thế, chưa thể thống nhất, song EU khẳng định “giữ nguyên cam kết” với các đối tác vùng Balkan. 

Dư âm Brexit (Anh rời EU) còn chưa lắng hẳn, cả 27 nước EU đều e ngại khả năng có thêm thành viên “dứt áo ra đi”, nhất là sau phán quyết mới nhất từ tòa án Ba Lan. Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhắc lại quan điểm rằng, gia nhập EU là một trong những sự kiện nổi bật của cả Ba Lan và EU, Ba Lan đang và tiếp tục ở trong “gia đình EU”.

Bất đồng là khó tránh trong các liên minh, song điều luôn được kỳ vọng là sau tranh luận, các thành viên tìm được giải pháp củng cố tổ chức. EU cũng vậy, nhiệm vụ ưu tiên là giữ vững nền tảng “ngôi nhà chung”./ .