Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm, sinh năm 1938 tại xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, một miền quê văn hóa truyền thống, giàu bản sắc, nồng nàn điệu Ví Giặm Nghệ Tĩnh.
 
Ông được thừa hưởng cái gen của cha mẹ mình về năng khiếu ca hát. Cha ông là cụ Trần Khánh Tuân, gốc ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, vào làm quan ở huyện Cẩm Xuyên vào những năm 30 của thế kỷ trước. Người dân Hà Tĩnh biết tiếng ông Trần Khánh Tuân, không phải vì ông làm quan mà ông là người một người tài hoa, vừa thông thạo chữ Hán, tiếng Pháp, vừa lại giỏi đánh đàn, hát bội… Vợ ông là bà Nguyễn Thị Huyên, cũng là một cô đào xinh đẹp, là người Hát Chèo Kiều nổi tiếng một vùng Kỳ Anh xưa. Người con trai đầu lòng của ông Tuân và bà Huyên, như là một sự kết hợp những gì tinh hoa nhất của cha và mẹ trong lĩnh vực cầm, kỳ, thi, họa. Đó chính là nghệ nhân ưu tú Trần Khánh Cẩm. 
 
Từ nhỏ, nghệ nhân Trần Khánh Cẩm đã được mẹ truyền dạy cho nhiều làn điệu dân ca, từ điệu Nam ai, Nam Bình của ca Huế đến tất cả các làn điệu dân ca ba miền như Ví, Giặm, Chèo Kiều, Sắc bùa, Hát ru, Chầu văn, Cải lương…

Lúc mới 15 tuổi, Trần Khánh Cẩm đã tập hợp một nhóm bạn có năng khiếu để thành lập đội văn nghệ trường học, thôn xã…rồi đi biểu diễn đây đó kiếm tiền và ngao du thiên hạ.

Năm 1950, ông được điều vào Đội Văn hóa tuyên truyền của tỉnh Hà Tĩnh đi dạy bình dân học vụ ở huyện Kỳ Anh. Ông sử dụng lời ca tiếng hát của mình đi biểu diễn phục vụ sửa sai cải cách ruộng đất và xây dựng tổ đổi công hợp tác xã nông nghiệp tcủa 8 huyện trong tỉnh. Năm 1960, ông được mời về Đoàn văn công Hà Tĩnh, đi biểu diễn khắp nơi, sang cả nước bạn Lào và các tỉnh lân cận. Vào Đoàn, ông vừa làm diễn viên, sáng tác vừa tham gia đạo diễn và thiết kế mỹ thuật. Cuối tháng 12-1967, trên đường đi phục vụ chiến trường, Đoàn văn công Hà Tĩnh bị trúng bom tại cầu Cấm (Nghệ An), 5 diễn viên hy sinh và một số người khác bị thương. Tuy may mắn thoát c.hết, nhưng ngay lúc đó Trần Khánh Cẩm nhận được tin buồn là mẹ mình qua đời. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, buộc ông phải xin nghỉ việc. Vì lý do đó nên ông không được hưởng một chế độ hay chính sách nào từ Nhà nước. May nhờ có niềm đam mê và năng khiếu của mình, ông lao vào sáng tác, đạo diễn, cắt dán, kẻ vẽ, cờ, đèn, kèn, trống…làm thuê cho các cơ quan, xí nghiệp, địa phương trong huyện để có tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày. 
 
 
Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm truyền dạy hát ví o Nhẫn cho các em học sinh trường THCS Kỳ Tân - huyện Kỳ Anh
 
Về lại quê hương mình, Trần Khánh Cẩm bắt đầu xắn tay xây dựng đội văn nghệ xã Kỳ Bắc và được cử làm đội trưởng. Ông sáng tác, dàn dựng hàng trăm vở kịch, ca khúc, tổ khúc dân ca về Hà Tĩnh nói chung, Kỳ Anh nói riêng. Phong trào văn nghệ của xã, của huyện vì thế nở rộ, trở thành hạt nhân nòng cốt của tỉnh. Các chương trình nghệ thuật do ông sáng tác, dàn dựng và trực tiếp tham gia biểu diễn đều dành được giải cao trong các liên hoan, hội thi các cấp. Khán giả mê nhất là cách biểu diễn mộc mạc nhưng dí dỏm, hài hước của ông đã khiến cho người nghe, người xem mê mẩn, không biết chán. Nhiều lần, Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh dẫn đoàn nghệ nhân của tỉnh  đi giao lưu, biểu diễn ở Hà Nội, Đà Nẵng,  thành phố Hồ Chí Minh…Hễ đến đâu khán giả cũng hỏi xoắn xuýt rằng: “Có tiết mục ông Cẩm hát Ô lục soạn không”? Có nghĩa là người nghệ sỹ quạt mo, chân đất đi đến đâu cũng được khán giả chào đón nồng nhiệt không khác gì những ngôi sao ca nhạc bây giờ. Quả là, khi còn trẻ, ông vừa đẹp trai, vừa phong độ, chuyện đó là đương nhiên. Nhưng khi đã về già, cái duyên sân khấu của ông vẫn hút hồn khán giả mới lạ.

Bài Giặm kể Ô lục soạn mỗi khi lên sân khấu trong bộ đồ nâu gụ, chiếc quạt mo, đi chân đất, được nghệ nhân Trần Khánh Cẩm luôn nhập vai đến xuất thần:…Nom enh đây cộ cộ con ngài/ Nỏ có ô lục soạn vác vai….Nhưng đến tiết giêng hai / Ngong vô chum, chum đưng có ló/ Ngó vô bồ, bồ vẫn đầy khoai… Ôông vô xúc một đọi độ/ Mụ xúc một mủng khoai/ Nấu lên một nồi hai/ Bưng ra trửa cựa nhà ngoài/ Ôông ngồi trục cúi quá tai/ Mụ ngồi chò hỏ xéo khoai/ Hai ôông mụ ngồi nhai/ Sướng bằng năm ô lục soạn/ Đẹp bằng mười ô lục soạn... 
 
Nghệ nhân ưu tú Trần Khánh Cẩm từng chia sẻ với những người mến mộ mình rằng: “Càng già, tui cảm thấy mình hát bài Ô lục soạn càng hay, vì có cái gì đó hợp gia cảnh vợ chồng tui…”.

Ngày trước, nghệ nhân ưu tú Trần Khánh Cẩm được lắm cô gái mê tít vì ông đẹp trai, phong độ, lại lắm tài lẻ. Duyên số lận đận, ông đã hai lần đứt gánh giữa đường. Bà Trần Thị Duyên là vợ thứ ba, kém nghệ nhân Trần Khánh Cẩm hơn 20 tuổi. Bà cũng vì mê hát mà thương yêu ông, rồi nên vợ nên chồng. Và hiện tại bà cũng là một trong những nhân vật quan trọng trong câu lạc bộ Dân ca Ví Giặm xã Kỳ Bắc do ông làm chủ nhiệm. Nhà ông còn nghèo so với thiên hạ, nhưng tình cảm vợ chồng, con cái luôn đầm ấm, hạnh phúc.

Không chỉ đam mê sáng tác, biểu diễn, nghệ nhân ưu tú Khánh Cẩm còn dành cả cuộc đời đi sưu tầm các làn điệu dân ca cổ. Người dân Kỳ Anh đi đâu cũng gặp nghệ nhân Trần Khánh Cẩm với chiếc xe đạp cọc cạch, luồn lách hết hang cùng, ngõ hẽm để ghi chép và làm sống lại điệu Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và các làn điệu khác như Hát Sắc bùa, Hát ru, Hát Ví o Nhẫn, Giặm xay lúa…trên đất Kỳ Anh. Mấy chục năm nay, những chặng đường ngược xuôi miền núi, miền biển đã trở nên quá quen thuộc với người dân các xã ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Hễ nghe bạn bè, đồng nghiệp hay ai đó mách ở xã nọ, xã kia bất kể là trong huyện hoặc ngoại huyện Kỳ Anh, có người già hay hát, có bài hò, điệu ví lạ tai là ông Cẩm lại lên đường, bất kể nắng mưa, có khi đi cả tháng không về nhà để tìm hiểu và ghi chép những làn điệu và lời ca cổ. Cho đến nay, ông đã sưu tầm được hàng trăm câu hát cổ và khôi phục được nhiều không gian diễn xướng truyền thống từ những làn điệu đã sưu tầm. Tất cả được ông ghi âm, chép tay hoặc tự mày mò đánh máy để lưu giữ một cách khoa học, đâu vào đó.

Nghệ nhân ưu tú Trần Khánh Cẩm là người có ý thức và làm tư liệu rất giỏi. Tất cả những tư liệu sưu tầm được hoặc tác phẩm vừa sáng tác, ông cất giữ cẩn thận như những thứ “gia bảo” của mình.  Và cả đời ca hát, sưu tầm vốn quý của cha ông, người nghệ nhân này không quên truyền dạy cho các thế hệ cháu con trong làng ngoài xã và nhất là con cháu trong nhà. Điều ông lo ngại nhất là Dân ca Nghệ Tĩnh bị mai một, bị  nhạc nhẹ và nhạc nước ngoài lấn át, làm cho thế hệ trẻ xa rời âm nhạc dân tộc. Do vậy, con cái của ông, ai cũng hát hay và hay hát. Có đứa tham gia đoàn văn chuyên nghiệp, đứa thì mở phòng thu tại nhà, đứa thì hát trong đội văn nghệ làng, xã. Tính đến nay, nghệ nhân Trần Khánh Cẩm đã đào tạo được hàng chục người trở thành những người hát được nhiều làn điệu Ví Giặm một cách thuần thục. Trong đó có nhiều học viên của ông đang công tác tại Đoàn Văn công Hà Tĩnh, Trường Cao đẳng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Du, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện, cùng hàng trăm học viên trong các câu lạc bộ và các cháu học sinh ở huyện Kỳ Anh.
 
Với lòng yêu nghề tha thiết và những cống hiến của mình, năm 2012, nghệ nhân Trần Khánh Cẩm được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Huy chương Vì sự nghiệp bảo tồn Văn nghệ dân gian. Năm 2015, ông tiếp tục được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; cuối tháng 11/2017, ông  là nghệ nhân duy nhất và đầu tiên ở Hà Tĩnh được Hội đồng cấp tỉnh xét duyệt và trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, đợt II. 

Những danh hiệu trên là vô cùng cao quý đối với Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm, nhưng điều khiến ông hạnh phúc nhất là đi đến đâu ông cũng được khán giả gọi bằng một cái tên rất dân dã đó là “Người nghệ sỹ quạt mo, chân đất”!