Các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đánh giá trận lũ lụt vừa qua lớn nhất trong vòng 60 năm qua và rất khác thường.
Lượng mưa lớn chưa từng thấy
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, trận lũ lụt vừa qua là trận lụt lịch sử, tổng lượng mưa lớn gấp 2 lần lượng mưa của trận lũ lịch sử năm 2010.
Cụ thể, lượng mưa đo tại các trạm thủy văn từ 7h ngày 15/10 đến 7h ngày 21/10 ở TP. Hà Tĩnh là 1.383mm, Thạch Đồng 1.221mmm, Kỳ Anh 870mm… Đặc biệt lượng mưa lớn nhất trong 24h tại TP. Hà Tĩnh lên đến 884mm.
Tổng lượng mưa tại hồ Kẻ Gỗ từ 7h ngày 15/10 đến 7h ngày 21/10 là 1.249mmm, tổng lượng nước đến hồ là 280 triệu m3, lưu lượng nước đến hồ lớn nhất vào lúc 4h ngày 19/10 là 2.539m3/s.
Mưa lũ đã khiến 118 xã phường, thị trấn với hơn 42 nghìn hộ dân của 11 huyện, thành phố bị ngập lũ, có nơi ngập 3-4m. Hà Tĩnh cũng tổ chức sơ tán hơn 18 nghìn hộ dân.
Trận lũ lụt cũng đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT thì có 6 người bị chết, 132ha lúa, nhiều diện tích cây ăn quả, hoa màu bị ngập; hơn 2.300ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và thiệt hại; 40 trạm y tế và 1 bệnh viện bị ngập lụt, nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng…
Ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đánh giá đây là trận lũ lớn nhất trong vòng 60 năm qua và rất khác thường
Ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đánh giá đây là trận lũ lớn nhất trong vòng 60 năm qua.
“Trận mưa năm nay rất khác thường. Lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ tại TP Hà Tĩnh lên đến 884mm, trong khi những năm trước chỉ khoảng 400 đến 500mm. Đây là cơn lũ lịch sử trong hơn 60 năm nay”, ông Trần Đức Bá cho biết.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến việc có hay không sự bất cập trong quá trình vận hành xả lũ của hồ Kẻ Gỗ, các cơ quan chức năng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới trận lụt lịch sử vừa qua.
“Do lượng mưa lớn tập trung trong 3 ngày liên tục, lượng nước đổ về hồ Kẻ Gỗ lớn, cộng với triều cường khiến việc thoát nước bị chậm…”, ông Nguyễn Bá Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh lý giải nguyên nhân khiến Hà Tĩnh chìm trong biển nước đợt lũ vừa qua.
Các cơ quan chức năng Hà Tĩnh cũng cho rằng, tỉnh đã chủ động trong công tác phòng chống, cũng như sơ tán, ứng cứu người dân trong đợt lũ vừa qua.
“Hà Tĩnh theo dõi sát sao diễn biến mưa lũ, cũng như lượng nước hồ Kẻ Gỗ, từ đó đưa ra quy trình vận hành xả tràn, tỉnh đã chủ động trong việc này. Nếu không có hồ Kẻ Gỗ thì lụt sẽ lớn hơn. Hồ Kẻ Gỗ đã giữ được 200 triệu m3 nước”, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Sẽ diễn ra tình trạng tái nghèo sau lũ!
Một người dân vừa nhận cứu trợ bật khóc vì tài sản trong nhà bị trôi hết
Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động hơn 4000 cán bộ chiến sĩ, hơn 4400 dân quân tự vệ và hàng trăm tàu, xuồng để sơ tán, cứu hộ, cứu trợ người dân, cũng như cung cấp nhu yếu phẩm lương thực, nước uống kịp thời cho người dân vùng cô lập.
Đến nay, công tác khắc phục sau lũ cũng đã được tiến hành khẩn trương, đảm bảo giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, cũng như đảm bảo vấn đề môi trường, y tế sau lũ. Hiện chỉ còn một số khu vực thấp trũng tại một số xã đang bị ngập cục bộ.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh lo ngại tình trạng tái nghèo sau lũ
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh thông tin, ngay sau khi trận lũ lụt xảy ra thì có hàng ngàn các tổ chức, cá nhân đã cứu trợ, ủng hộ trực tiếp xuống người dân nhưng chủ yếu là nhu yếu phẩm.
“Thông qua UBMTTQ tỉnh, các cá nhân, tổ chức đã ủng hộ được số tiền gần 40 tỷ đồng. Đơn vị cũng đã chuyển hơn 11 tỷ đồng xuống các địa phương bị ảnh hưởng để khẩn trương hỗ trợ cho người dân”, bà Nguyễn Thị Mai Thủy cho biết.
Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh cũng lo ngại sẽ diễn ra tình trạng tái nghèo sau lũ.
“Đến nay thì nhu yếu phẩm cũng đã cơ bản. Sau lũ thì nhiều hộ sẽ tái nghèo, nhiều hộ khá sẽ khó khăn hơn. Thời điểm này, người dân vùng lũ cần hạt giống và con giống, sửa chữa nhà cửa, trang thiết bị đồ dùng, sách vở cho con em đi học… tức là sinh kế sau lũ”, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Cũng theo vị này, những ngày qua UBMTTQ tỉnh vừa điều phối vừa tư vấn cho các đoàn cứu trợ để họ nắm rõ những địa bàn nào, hộ dân nào bị ảnh hưởng, địa phương nào đã được nhiều đoàn cứu trợ để đảm bảo sự đồng đều giữa các hộ dân, giữa các địa phương.
Xuất cấp hóa chất khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh sau lũ
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1650/QĐ-TTg về việc xuất cấp hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế xuất cấp không thu tiền 6,7 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh; ngoài ra cấp cho Bộ Y tế để giao cho các đơn vị phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, tỉnh Quảng Trị 1 triệu viên; tỉnh Quảng Ngãi 0,2 triệu viên; tỉnh Quảng Nam 1 triệu viên, tỉnh Hà Tĩnh 1,5 triệu viên và Bộ Y tế 3 triệu viên.
Tại Quảng Bình, rác thải trôi theo nước lũ mắc kẹt tại các vùng thấp trũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo. UBND các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Bộ Y tế tiếp nhận, quản lý và sử dụng số hóa chất khử khuẩn nêu trên theo đúng quy định hiện hành./.