Sáng 4/12, truyền thông đưa tin, người dân địa phương phản ánh trạm trộn bê tông Hồng Lĩnh đứng chân tại phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) của Công ty TNHH Bê tông Hồng Lĩnh thường xuyên xả thải trực tiếp ra bãi đất trống phía sau. Nước thải chảy xuống khe Đá Bạc khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.

 

Cụ thể, phía sau trạm trộn bê tông Hồng Lĩnh có 2 điểm xả thải trực tiếp ra môi trường với khối lượng lớn. Vị trí thứ nhất được xả ngầm qua móng tường bao, nước thải có màu trắng đục, đặc quánh. Sau khi chảy xuống khe còn đọng lại một lớp chất thải có chiều dày khoảng 20cm, trên diện tích gần 100m2.

Ở vị trí thứ 2 được thiết kế cửa xả. Ghi nhận cho thấy khối lượng xả ở đây lớn hơn, nước có màu trắng bạc, chảy ồ ạt ra bãi đất trống có diện tích khá rộng, rồi cũng theo mương đổ xuống khe Đá Bạc. Những gì nhìn thấy nơi đây là vùng đất được một lớp chất thải bao phủ dày đặc...

Theo tìm hiểu, để hình thành dự án nêu trên, Công ty TNHH Bê tông Hồng Lĩnh đã được “khai sinh” vào cuối tháng 8/2016, đăng ký địa chỉ tại TDP8, phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Chủ sở hữu/người đại diện pháp luật là ông Phạm Ngọc Thắng. Giám đốc là bà Võ Thị Bích Thủy, kế toán trưởng là bà Lương Thị Thắm.

Mục tiêu của dự án cung cấp sản phẩm bê tông tươi cho địa bàn TX Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

bthl2-1639794804.jpg
Theo ĐTM, dự án trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty TNHH Bê tông Hồng Lĩnh phải có Khu xử lý nước thải rộng 405m2

Một thời gian sau đó, dự án trạm trộn bê tông thương phẩm này được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tại TDP8 phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) trên diện tích 24.584m2 với tổng vốn đầu tư khoảng 41 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.

Theo thiết kế, trạm trộn bê tông thương phẩm có công suất 100 - 120m3/h (tương đương với công suất tối đa 555 tấn sản phẩm bê tông tươi/ngày). Với quy mô gồm các hạng mục như dây chuyền công nghệ; nhà văn phòng, nhà xưởng, bãi để xe, khu vực đặt máy trộn bê tông, bãi tập kết nguyên liệu, đường nội bộ, hàng rào, cây xanh và các hạng mục công trình phụ trợ khác.

Khu vực sản xuất gồm 1 kho vật tư và bảo dưỡng xe rộng (2.700m2); 1 khu vực đặt dây chuyền trộn bê tông (100m2); 1 sân bãi tập kết cát (1.125m2); 1 sân bãi tập kết đá (3.248m2); khu xử lý nước thải (405m2). Các hạng mục phụ trợ khác 17.006m2.

Theo Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Công ty TNHH Bê tông Hồng Lĩnh phải xây lắp đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường; nước thải sản xuất sau xử lý phải đạt QCVN 40:2011/BTNMT (cột B, Kq=0,9; Kt=1,2) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

Cũng theo ĐTM, dự án trạm trộn bê tông thương phẩm phải có Khu xử lý nước thải rộng 405m2. Theo quan sát, trong khuôn viên có 1 hồ nước, tuy nhiên hồ nước này được cho là đang được dùng để cung cấp nước cho trạm trộn chứ không phải dùng để lắng lọc, toàn bộ nước thải sản xuất tại đây đều được xả trực tiếp ra môi trường?.

Ngoài ra, trong nội dung phê duyệt ĐTM có nêu, trường hợp chủ dự án vi phạm một trong các yêu cầu trong Báo cáo ĐTM được phê duyệt thì Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Tĩnh, UBND TX Hồng Lĩnh phải kịp thời tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh đình chỉ việc thực hiện dự án, buộc chủ dự án bồi hoàn các chi phí, thiệt hại liên quan do vi phạm gây ra theo đúng quy định của pháp luật.

Vậy, việc để Công ty TNHH Bê tông Hồng Lĩnh "tự do" xả thải bức tử môi trường (nếu có) như đã nêu ở trên thuộc trách nhiệm của ai? Có hay không việc nhà đầu tư chỉ “nhăm nhăm” vào lợi nhuận mang lại mà thiếu “tôn trọng” quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh về bảo vệ môi trường đối với dự án này? Có hay không việc cơ quan quản lý nhà nước nơi Trạm trộn đứng chân “buông lỏng” trong việc kiểm soát việc thực thi các quy định của tỉnh Hà Tĩnh?

bthl81-1638592603.jpg
Khe Đá Bạc bị bao phủ một lớp chất thải sản xuất đổ ra từ Trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty TNHH Bê tông Hồng Lĩnh.
bthl91-1638592331.jpg
Nước thải chảy trực tiếp ra môi trường (ảnh cắt từ Clips)
ha-tinh-tram-tron-be-tong-hong-linh-cong-suat-120m3-h-xa-thai-truc-tiep-ra-moi-truong-1-1638593128.jfif
Nước thải sản xuất xả trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý.
bthl51-1638592935.jpg
Một góc dự án trạm trộn bê tông thương phẩm
sau-khi-chay-xuong-khe-chat-thai-con-dong-lai-mot-lop-co-chieu-day-khoang-20cm-tren-dien-tich-khoang-gan-100m2-1-1638593009.jpg
Sau khi chảy xuống khe, chất thải còn đọng lại một lớp có chiều dày khoảng 20cm, trên diện tích khoảng gần 100m2.
khoi-luong-xa-rat-lon-nuoc-chay-o-at-ra-bai-dat-trong-co-dien-tich-kha-rong-1638593009.jpg
Khối lượng xả rất lớn, nước chảy ồ ạt ra bãi đất trống có diện tích khá rộng.

Đáng chú ý, trong "danh sách đề xuất đối tượng thanh tra, kiểm tra năm 2022" do UBND Hồng Lĩnh lập, ngoài Công ty TNHH Bê tông Hồng Lĩnh thì còn có Công ty TNHH MTV Hưng Nghiệp (Trạm trộn bê tông thương phẩm), Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Lam Hồng (gạch ngói không nung), Công ty TNHH Hồng Lam (sản xuất gỗ ép) cũng có các dấu hiệu sai phạm về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đó chỉ là những phát hiện được chính quyền địa phương liệt kê để thanh kiểm tra trong năm 2022.

Được biết, sau khi truyền thông phản ánh sự việc, lãnh đạo UBND TX Hồng Lĩnh, thủ trưởng cơ quan Công an TX Hồng Lĩnh cũng đã có những động thái nhất định về việc sẽ cho kiểm tra quy trình bảo vệ môi trường ở trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty TNHH Bê tông Hồng Lĩnh.

(Cre: An Giang Dragon)