Áp dụng các biện pháp mạnh một cách linh hoạt
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc TP.HCM có triển khai thêm các biện pháp mạnh trong phòng chống dịch Covid-19 hay không, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, hiện nay ổ dịch lớn nhất là hơn 520 ca tại điểm nhóm Hồi giáo Phục Hưng đã cơ bản kiểm soát. Nhưng hiện nay đã có một số ổ dịch mới ở quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.
Vì thế, UBND TP.HCM tổ chức họp báo để thông báo về các giải pháp mạnh đang triển khai. Đó là thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND TP, tăng cường giãn cách, xử lý các ổ dịch phát sinh và đuổi kịp chặn đứng sự lây lan của dịch. Theo ông Dương Anh Đức, hiện nay, trên địa bàn toàn TP đánh giá là mức nguy cơ cao. Và TP.HCM cân nhắc áp dụng đưa ra các quy định phù hợp với hoàn cảnh hiện nay bởi Chỉ thị 15, 16 được Chính phủ đưa ra để áp dụng toàn quốc.
Cụ thể, TP.HCM tăng cường bổ sung thêm một số quy định về giãn cách. Cơ bản là thực hiện các biện pháp mạnh ở một số trọng điểm như quyết định phong toả Khu phố 2, 3, 4, phường An Lạc (quận Bình Tân) từ 0g hôm nay trong 2 tuần; thiết lập vùng phong toả tại ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1, (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn).
Nguyên tắc phong toả là người dân ở đâu ở nguyên đó, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết và ông Dương Anh Đức đánh giá “đây là biện pháp mạnh”. Lý giải cụ thể hơn, ông Dương Anh Đức cho biết TP sẽ áp dụng biện pháp cụ thể phù hợp hoàn cảnh hiện nay của TP chứ không căn cứ theo các Chỉ thị một cách toàn bộ, cơ bản là dựa trên các mức đánh giá của Bộ Y tế. Về việc vì sao không phong toả cho toàn quận Bình Tân, ông Dương Anh Đức cho biết việc phong toả cho một địa phương lớn rất khó khăn; phương châm chống dịch là rút kinh nghiệm, lần sau tốt hơn lần trước, lúc đầu khoanh vùng rộng, sau khoanh vùng hẹp, cố gắng không ảnh hưởng đến người dân. Số ca trên địa bàn quận Bình Tân lớn nhưng chủ yếu là tập trung tại một điểm và trong thời gian ngắn nhất có thể cắt đứt các chuỗi có thể có. Phần còn lại vẫn duy trì các biện pháp theo Chỉ thị 15+ và bổ sung thêm một số quy định.
Cụ thể là điều chỉnh lại cho thực tế hơn để thực hiện nghiêm các điều kiện trong giãn cách, thêm các biện pháp về chuyên môn để đảm bảo dập dịch hiệu quả; cụ thể là nâng công suất xét nghiệm 500 ngàn mẫu/ngày ở các khu vực nguy cơ cao. Và TP kỳ vọng sau một tuần sẽ nhìn rõ mối nguy cơ tiềm ẩn và có điều kiện quay vọng test lại những nơi đã tầm soát trước đó "Hôm nay tầm soát âm tính không có nghĩa là 5 ngày sau vẫn sẽ âm tính", ông Dương Anh Đức cho biết.
TP.HCM đảm bảo nguồn hàng, người dân không cần tích trữ
Về nguồn nhân lực y tế, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết từ trước đến nay, TP.HCM chưa bao giờ đơn độc; ngoài lực lượng y tế của TP, còn có một lượng lớn lực lượng y tế của Trung ương trên địa bàn. TP luôn theo nguyen tắc là khi cần TP hỗ trợ cho các địa phương bạn và khi cần TP cũng nhận sự hỗ trợ của các đơn vị khác. Ông Dương Anh Đức khẳng định TP có giải pháp để chuẩn bị tình huống 5.000 người bệnh. Với mức độ đó, TP chuẩn bị và sự hỗ trợ của các lực lượng của ngành y tế trên địa bàn TP.HCM thì TP sẵn sàng và chưa cần nguồn lực các địa phương khác.
Phó Chủ tịch Dương Anh Đức lưu ý cần phải sốc lại tinh thần làm việc, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của TP trong phòng chống dịch; và TP sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. “Một tuần sắp tới là quãng thời gian quan trọng để ngăn chặn dịch nên những cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Dương Anh Đức khẳng định.
Phó Chủ tịch Dương Anh Đức đánh giá người dân TP.HCM đã từng hợp tác tốt trong thực hiện các Chỉ thị 15, 16 trước đây nên người dân không cần quá hoang mang, cùng với chính quyền TP chống dịch. Việc giãn cách sẽ gặp khó khăn nhưng TP.HCM luôn đồng hành. Và vào kỳ họp HĐND TP.HCM vào ngày 23/6 sắp tới, UBND TP sẽ trình HĐND ra Nghị quyết hỗ trợ các đối tượng khó khăn.
Cũng tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cũng khẳng định chắc chắn đảm bảo 100% trong mọi tình huống hàng hoá cung cấp đầy đủ cho người dân. Chỉ có một số thời điểm đột biến thì ngành công thương cũng sẽ nhanh chóng đáp ứng nên người dân không cần thiết phải tích trữ lương thực, hàng hoá, tránh việc ra người không cần thiết./.