Chiều 15/6 phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có văn bản gửi 3 trường đại học Tôn Đức Thắng, Bách Khoa và Đại học Sài Gòn nhằm chuẩn bị nhu cầu cách ly y tế các trường hợp F1 sắp tới, ứng phó với tình huống ghi nhận 500-1.000 ca bệnh.
Được biết Sở Y tế đã khảo sát các ký túc xá này có sẵn cơ sở vật chất như phòng, giường nằm, điện nước và mặt bằng rộng rãi. Vì vậy, thành phố đề nghị Ban giám hiệu 3 trường đại học hỗ trợ, chấp nhận cho thành phố trưng dụng các ký túc xá làm khu cách ly tập trung.
Hiện ký túc xá của Đại học Tôn Đức Thắng nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 có 4 toà nhà với 4.772 chỗ ở cho sinh viên. Ký túc xá Đại học Bách Khoa trên đường Hoà Hảo, quận 10 có diện tích 12.000 m2 với gần 329 phòng. Ký túc xá Đại học Sài Gòn ở đường An Dương Vương, quận 8 là toà nhà 11 tầng với diện tích 7.000 m2.
Tuần trước, TP.HCM đã có quyết định lập 2 khu cách ly tập trung tại ký túc xá Trường quân sự Quân khu 7 và ký túc xá Đại học Sư phạm với hơn 1.100 giường.
Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện khẩn trương các địa điểm cách ly, đảm bảo công suất cách ly tập trung tối thiếu 200 giường. Riêng thành phố Thủ Đức là 600 giường để đáp ứng yêu cầu cách ly tối đa 2 người mỗi phòng.
Tính đến nay, thành phố đã ghi nhận 923 ca Covid-19; gần 12.000 người đang cách ly tập trung, hơn 21.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Ngay vào giai đoạn đầu tiên (từ giữa tháng 5) của đợt dịch, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra ba tình huống khẩn cấp khi dịch bệnh bùng phát.
Tình huống một với dưới 100 ca; Tình huống số ca nhiễm tăng từ 100 đến 1.000. Và tình huống trên 1.000 ca. Riêng với tình huống từ 1.000 - 5.000 ca dương tính, lúc này những trường hợp nhẹ sẽ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến hình thành từ các cơ sở không thuộc hệ thống y tế.
Những ca nặng sẽ được điều trị ở các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 và tăng cường thêm các bệnh viện dã chiến ở khu vực trung tâm như: Nhà thi đấu Phú Thọ quận 11, Nhà triển lãm quận 7, Nhà văn hoá thể thao các quận với tổng công suất 5.000 giường, 1.000 giường hồi sức, 55 giường đặt trong buồng áp lực tâm và 1.000 máy thở.
Trong điều kiện hiện nay, Bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ là hai cơ sở chủ lực được phân công điều trị các bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ với quy mô 900 giường.
Nhân sự tại 2 bệnh viện này là từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và luân phiên từ các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế, do Sở Y tế điều phối. Nếu có bệnh nhân nặng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ sẵn sàng 10 giường hồi sức tích cực cùng kỹ thuật ECMO.
Về năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2, ngoài Viện Pasteur TP.HCM và các bệnh viện trực thuộc bộ ngành khác, còn có 12 bệnh viện, đơn vị thuộc Sở Y tế thành phố đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu tất cả bệnh viện hạng 1, 2, 3 còn lại và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực gửi Viện Pasteur để thẩm định công nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 trong năm nay, bảo đảm mỗi 300 giường phải có một hệ thống xét nghiệm Realtime PCR.
Liên quan đến vắc xin, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép các doanh nghiệp ở thành phố được chủ động đàm phán tìm nguồn vắc xin covid-19. Được nhập khẩu hoặc thuê các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc xin.
Sau khi vắc xin được Bộ Y tế cấp phép, nhập khẩu về Việt Nam và được kiểm định đảm bảo chất lượng. UBND thành phố đề nghị Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng triển khai việc tiêm vắc xin cho toàn thể cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp.