Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã lên kịch bản 1.600 ca mắc/ngày và dự kiến trong 5 ngày tới, số ca mắc tại TP.HCM có thể lên tới 10.000 người.

Tại cuộc giao ban trực tuyến sáng 10/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19; Bí Thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong và đại diện Bộ Y tế đã thống nhất, đồng thuận cao phương châm chống dịch “rõ ràng” để “người dân biết, người dân làm và người dân giám sát”.

TP.HCM những ngày qua đã tiếp nhận 500 kiến nghị, phản ánh từ người dân về những vấn đề trong chống dịch, theo đó, đã xử lý nghiêm để chống dịch hiệu quả. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoanh nghênh và kêu gọi người dân tiếp tục giám sát, để thành phố xử lý và công khai.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, sau khi áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, thành phố đã đổi mới công tác xét nghiệm, trong đó, lấy mẫu xét nghiệm theo tiến độ xét nghiệm để đảm bảo hiệu quả. Đặc biệt, với các đối tượng nguy cơ, có triệu chứng, có bệnh nền được khẩn trương ưu và tiên xét nghiệm ngay tại nhà.

TP.HCM sẵn sàng cho kịch bản 1.600 ca mắc mỗi ngày
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao ban trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đánh giá, TP.HCM đã thực hiện nghiêm túc Chị thị 16, số người ra đường phố và ra-vào qua các chốt chặn ít.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, số ca mắc dự báo tăng cao trên 1.000 người mỗi ngày, theo đó, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã lên kịch bản 1.600 ca mắc/ngày và dự kiến trong 5 ngày tới, số ca mắc tại TP.HCM có thể lên tới 10.000 người.

“Chúng ta phải chuẩn bị công tác xét nghiệm để đảm bảo cho kịch bản này. Chúng tôi đã đánh giá lại năng suất của 17 phòng xét nghiệm trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, năng suất xét nghiệm chỉ ở mức độ hạn chế 7.000 mẫu/ngày. Nếu có sự hỗ trợ của các đơn vị bộ ngành thì có thể tăng lên tới 30.000 mẫu RT-PCR/ngày. Công suất này cũng chỉ đáp ứng được cho xét nghiệm các ca F1 đang ở trong khu cách ly tập trung”, ông Sơn nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, TP.HCM dự kiến phải thực hiện xét nghiệm có các trường hợp là các ca F0 trong ngày và số tiếp xúc gần, với 1 F0 có 30 F1 phải xét nghiệm. Bên cạnh đó, là các điểm phong toả - nhưng nơi nguy cơ rất cao và tiếp theo là các vùng tương đối an toàn. Ước tính theo kịch bản 1.600 ca mắc/ngày, cần sử dụng tới 2 triệu test nhanh và gần 3 triệu test RT-PCR trong 14 ngày tới.

TP.HCM sẵn sàng cho kịch bản 1.600 ca mắc mỗi ngày
Đường phố TP.HCM vắng vẻ khi thực hiện Chỉ thị 16.

Đối với nhóm ở khu vực nguy cơ rất cao, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đề xuất thực hiện mẫu gộp cho toàn gia đình. Khu vực này đã hoàn toàn giãn cách, nhà cách ly nhà, do vậy chỉ cần xét nghiệm đại diện hộ gia đình. Dự kiến, khu vực này cần sử dụng 1,6 triệu test RT-PCR và 1,3 triệu test nhanh. Bộ phận thường sẽ cân nhắc và điều chỉnh hợp lý để giảm bớt số lượng test thực hiện đúng 2 mũi xét nghiệm trọng tâm trọng điểm, từ vùng nóng phong toả ra và xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực an toàn, để đảm bảo mở rộng “vùng xanh” cho TP.HCM.

Về nhân lực y tế, Bộ Y tế đã có 4 phương án và kế hoạch sẵn sàng nguồn nhân lực cho TP.HCM. Trong đó, với nguồn nhân lực cho bệnh viên hồi sức với công suất 1.000 giường sẽ điều khoảng 200 bác sĩ chuyên ngành hồi sức và truyền nhiễm và điều khoảng 800 điều dưỡng theo yêu cầu của thành phố. Với các bệnh viện dã chiến thu dung các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, TP.HCM đề nghị hỗ trợ 400 bác sĩ và 600 điều dưỡng. Theo đó, Bộ Y tế dự kiến huy động 472 bác sĩ và 875 điều dưỡng. Nguồn nhân lực cho truy vết lấy mẫu là 500 người theo thành phố yêu cầu./.