Phát phiếu đi chợ theo từng hộ gia đình; mua sắm cách nhật 2-3 ngày tuỳ điều kiện của địa phương để giảm mật độ người dân tập trung vào mua sắm hàng hàng hoá tức thời.

Trước tình trạng người dân TP.HCM đổ xô tới các siêu thị, chợ truyền thống mua thực phẩm để tích trữ khi TP chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khiến tiểu thương tại một số chợ truyền thống đẩy giá các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, rau xanh lên cao, Sở Công thương TP.HCM cho biết sẽ triển khai phát phiếu đi chợ để tránh tình trạng này.

TP.HCM phát phiếu đi chợ trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Nhiều quầy hàng siêu thị cũng hết sạch do người dân gom dự trữ

Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, tình hình cung ứng hàng hoá trên địa bàn những ngày qua hết sức khó khăn khi tất cả kênh phân phối hiện đại và truyền thống đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể, 3 chợ đầu mối và 148/234 chợ truyền thống trên địa bàn đã ngưng hoạt động.

Việc vận chuyển hàng hoá về TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn do các địa phương áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Một số thương lái đưa hàng hoá đi các tỉnh cũng bị cách ly, có địa phương yêu cầu lái xe phải test nhanh Covid-19 hoặc xét nghiệm PCR,… Nhiều giấy xét nghiệm Covid-19 chỉ có hiệu lực từ 2-3 ngày nên tài xế phân phối hàng hoá không kịp di chuyển về địa phương hoặc bị kẹt lại, dẫn tới thiếu nhân lực, hàng bị ùn ứ nên hệ thống buộc phải xoay sở, tìm tài xế địa phương thay thế,…

Lý giải về tình trạng giá các loại rau xanh tại siêu thị tăng “chóng mặt” so với ngày thường, lãnh đạo Sở Công thương cho biết trước đó, việc cung ứng hàng hoá của các hệ thống phân phối (kể cả dự phòng trong dịch bệnh) đã đảm bảo nguồn cung với lượng dự trữ tăng gấp 2-3 lần so với bình thường.

TP.HCM phát phiếu đi chợ trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Người dân chen chúc mua thực phẩm không đảm bảo khoảng cách an toàn chống dịch.

Tuy nhiên, khi có thông tin TP.HCM giãn cách 15 ngày theo Chỉ thị 16, người dân có tâm lý muốn dự trữ hàng hoá nên đã đổ xô đi mua sắm, nhất là trong 2 ngày qua. Nhu cầu tăng đột biến vượt quá năng lực cung ứng của hệ thống phân phối dẫn đến tăng giá. Bên cạnh đó, vừa qua giá xăng dầu tăng, các phương tiện vận chuyển với khối lượng hàng hóa lớn thay vì đi thẳng từ vùng nguyên liệu tới chợ đầu mối thì nay phải đến các chợ nhỏ lẻ, phải dùng các xe cỡ nhỏ… làm cho giá mỗi sản phẩm có tăng lên.

Về giải pháp hạn chế tình trạng tích trữ hàng hoá trước và trong thời điểm giãn cách, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở Công thương đã nhận chỉ đạo của TP và đã ban hành hướng dẫn cho TP. Thủ Đức và các quận huyện thực hiện giải pháp phát phiếu đi chợ theo từng hộ gia đình; mua sắm cách nhật 2-3 ngày tuỳ điều kiện của địa phương. Như vậy sẽ giảm mật độ người dân tập trung vào mua sắm hàng hàng hoá tức thời./.