Được sự chấp thuận của Bộ Y tế, Sở Y tế TP. HCM đã ban hành hướng dẫn cụ thể về cách ly F0, F1 tại nhà với 1 số thay đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Phân loại F1 để cách ly tại nhà
Đối với các F1 ở khu vực có nguy cơ rất cao (nơi phong tỏa) và đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế thì được cách ly tại nhà. Theo đó, nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài.
F1 phải hạn chế tiếp xúc, bố trí khu vực/phòng riêng cho người F1 nếu có thể; bố trí các đồ dùng cá nhân riêng, ăn riêng, thùng đựng rác riêng, vệ sinh khử khuẩn khu vực vệ sinh chung sau mỗi lần người F1 sử dụng.
Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.
Trường hợp có đông người F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như khu nhà trọ, khu ký túc xá, khu dân cư... thì áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét giảm bớt mật độ bằng cách ra các khu cách ly tập trung.
Tại khu vực có nguy cơ cao áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng đối với yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe.
Có thể xem xét cho phép cách ly trường hợp F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín nhưng nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.
Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.
Tại các khu vực khác áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng đối với yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe.
Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.
Tất cả các trường hợp F1 cách ly tại nhà đều thực hiện xét nghiệm RT-PCR theo quy định như trường hợp cách ly tập trung.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, có 80% bệnh nhân Covid-19 ở thể nhẹ, không triệu chứng. Với nhóm này, quan trọng nhất là thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn và nâng cao thể trạng; 20% còn lại là bệnh nhân tiên lượng nặng, trong đó có 5% là bệnh nhân rất nặng phải thở máy, ECMO. Đây là những trường hợp cần phải tập trung điều trị, theo dõi sát, tránh chuyển biến nặng.
2 nhóm F0 được cách ly tại nhà
Theo quy định của Bộ Y tế, có 2 nhóm F0 sẽ thực hiện cách ly tại nhà ở TP. HCM, gồm các F0 không triệu chứng và các nhân viên y tế nhiễm Covid-19.
Cụ thể, với F0 không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm PCR vào ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính với SARS-CoV-2 nhưng tải lượng vi rút thấp (CT value 30) không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà với điều kiện bảo đảm an toàn, phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục xét nghiệm PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
Với nhân viên y tế bị lây nhiễm Covid-19 được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định.
Các trường hợp F0 này phải được giám sát, theo dõi sức khỏe hàng ngày của cơ quan y tế địa phương, tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.