Sức mua tăng 1,5 lần so với trước đây
Hàng loạt các chợ truyền thống, như chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ Kim Biên (quận 5), chợ Hoà Hưng (quận 10), quận Tân Bình, chợ An Đông… thậm chí là 1 trong 3 chợ đầu mối chính của TP.HCM cũng đã phải tạm ngưng hoạt động do phát hiện nhiều ca nhiễm với Covid-19.
Vậy TP.HCM sẽ điều tiết hàng hoá thế nào khi số lượng vùng trên địa bàn bị phong toả ngày càng tăng? Việc cung ứng thực phẩm tại những chợ còn hoạt động có bị gián đoạn?
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, tiểu thương khu vực cá, hải sản chợ Bình Thới (Q.11) cho biết, từ 30/5 khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội việc kinh doanh của các tiểu thương bị ảnh hưởng theo kiểu buôn bán không đều, có ngày tăng có ngày giảm. Nguyên nhân do người dân thực hiện giãn cách nên hạn chế đi chợ và thường ngày cuối tuần lượng hàng bán ra tăng nhiều hơn. Nhưng trung bình số lượng bán hàng tăng gấp 1,5 lần so với trước đây.
Chị Ánh cho hay, Ban quản lý chợ họp và có thông báo nên nguồn hàng hoá luôn sẵn sàng. "Thường ngày cuối tuần chúng tôi sẽ lấy nhiều hơn ngày thường do điều tiết theo nhu cầu của người dân", chị cho biết.
Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban quản lý chợ Bình Thới cho hay, tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại nên các tiểu thương cũng gặp một số khó khăn do chợ điều tiết số lượng người trong nhà lồng ở cùng thời điểm không quá 200 người đi chợ. Theo đó có hôm bán tăng gấp 3 lần so với mức bình quân mỗi ngày trước dịch, có hôm thì chỉ đạt 60-70%.
Nguồn hàng từ các chợ đầu mối về rất đều đặn, không bị gián đoạn nhưng thời gian vận chuyển hàng sẽ chậm hơn từ 1-2 tiếng so với trước.
“Đối với các hộ kinh doanh không thiết yếu, phải đóng cửa, Ban Quản lý chợ Bình Thới đã làm việc với cơ quan thuế xem xét miễn thuế và giảm chi phí mặt bằng từ tháng 6”, ông Tùng nói.
Cũng tại quận 11, Ban quản lý chợ Thiếc cho biết hiện vẫn áp dụng lấy phiếu cho người dân khi ra vào chợ để kiểm soát dịch bệnh. Số lượng hàng hoá vào cuối tuần tăng vọt nhưng ngày thường lượng tiêu thụ giảm. Tuy nguồn hàng không khan hiếm nhưng quá trình vận chuyển từ các nơi bán sỉ, chợ đầu mối chậm hơn một chút so với trước đây.
Nở rộ dịch vụ giao hàng online
Mặc dù nguồn hàng vẫn được cung ứng đầy đủ, nhưng giá thực phẩm, rau củ, quả lại tăng vọt khi nhiều chợ đầu mối và chợ tự phát ngưng hoạt động.
Chị Lan (Tân Bình) cho biết, ngay sau khi chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình tạm ngưng hoạt động thì siêu thị gần nhà bán ba rọi rút sườn với giá lên tới 265.000₫/kg, trong khi trước đây ở chợ chỉ khoảng 140.000₫/kg.
Tại chợ Bàu Cát, quận Tân Bình, giá nhiều mặt hàng rau củ như dưa leo, cà chua, cải bẹ, hành tây, ớt Đà Lạt... tăng bình quân 20-40%. Theo các tiểu thương, mức tăng này ít hơn so với thời điểm có mưa, bão hàng năm. Các đầu mối cho biết do dịch bệnh nên vận chuyển chậm hơn, nên chi phí cao hơn.
Tuy nhiên nột tiểu thương tại chợ Bàu Cát chuyên kinh doanh mặt hàng cá ở các tỉnh miền Trung cho biết, giá cá, tôm không thay đổi do lượng người mua ít hơn. Có thể người dân cũng có nhiều lựa chọn nên giá cả cũng không tăng.
Ông Nguyễn Minh Phương - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức chia sẻ, lượng hàng về chợ đầu mối mỗi ngày nhiều hơn so với trước đây. Cụ thể như rau củ về chợ tăng khoảng 400 tấn/ngày từ 1.800 tấn lên 2.200 tấn/nên giá khá ổn định.
Mặt hàng củ quả sức mua tại chợ giảm do xu hướng mua online tăng. Thậm chí lượng trái cây và giá nhiều mặt hàng có xu hướng giảm do ít khách đi chợ.
Phía chợ đầu mối Bình Điền khẳng định, nguồn hàng thực phẩm, thuỷ hải sản, rau củ quả khá dồi dào. Kể cả thịt heo số lượng còn tăng theo ngày. Tuy nhiên cả tuần trước do tin đồn đến chợ khi trở về sẽ bị cách ly nên xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng cùng một lúc.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Giao thông, khoảng 3 tháng nay hàng loạt ứng dụng giao hàng, đi chợ hộ và dịch vụ bán hàng trên các trang mạng nở rộ.
Cụ thể như trên Tiki, Lazada, Shoppe hiện bán tất cả các mặt hàng thực phẩm. Ngoài ra, hiện TP. HCM còn có nhiều cửa hàng thực phẩm sạch như chuỗi Farrmes Market, Annam... đều có dịch vụ mua online giao hàng tận nhà.
Đây cũng là lí do không bị khan hiếm nguồn hàng. Theo nhiều tiểu thương bán sỉ ở chợ đầu mối, giá tăng chủ yếu vẫn là do tin đồn khan hiếm hàng hoá, trên thực tế là rất dồi dào.