Dự án mở rộng QL13, QL50 và QL22 là tuyến đường huyết mạch nối TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đây là các tuyến đường huyết mạch cần được mở rộng và hoàn thiện đảm bảo nối kết liên vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đi lại thuận lợi cho người dân.
Đề xuất chủ trương đầu tư 4 tuyến quốc lộ
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM cho biết, trong 5 năm tới TP.HCM ưu tiên khơi thông hạ tầng giao thông ở các cửa ngõ như nâng cấp mở rộng QL1, QL13, QL50, QL22…
Bên cạnh đó, khép kín vành đai 2, hoàn thành vành đai 3, vành đai 4 và đẩy nhanh tiến độ các tuyến cao tốc từ TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Năm 2021, trên cơ sở cân đối nguồn vốn chuẩn bị đầu tư, Sở GTVT TP sẽ xem xét lập đề xuất chủ trương đầu tư với các dự án trọng điểm, cấp bách lập, trình thông qua chủ trương đầu tư.
Trong 4 tuyến quốc lộ cần cải tạo, nâng cấp và mở rộng, có tuyến QL50 (đi qua huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã được thông qua chủ trương đầu tư. Còn lại 3 tuyến QL13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu); QL22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa), QL1A (từ đoạn nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận) đang đề xuất chủ trương đầu tư.
Đối với dự án mở rộng QL50, HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng, mở rộng QL50 với tổng mức đầu tư là gần 1.500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP.
Dự án bao gồm hai đoạn: đoạn 1 dài hơn 4km xây dựng mới đường song hành QL50 và đoạn 2 dài gần 3km mở rộng đường hiện hữu; xây mới hai cầu Bà Lớn và cầu Ông Thìn.
Dự án nâng cấp, mở rộng QL13 dài hơn 4,5km, mở rộng lên từ 53 - 60m đang được lập kế hoạch đầu tư và sẽ triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP.
Dự án được UBND TP.HCM đề xuất từ năm 2002, khi đó chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 2.500 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng.
Tiếp đến là dự án mở rộng QL22, dài 5,4km sẽ được mở rộng từ 4-8 làn xe với tổng mức đầu tư 935 tỉ đồng. Trên tuyến xây hai cầu vượt trên tại nút Nguyễn Ảnh Thủ và Nguyễn Văn Bứa.
Hiện Sở GTVT TP.HCM đang lập kế hoạch đầu tư, dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2025.
Thí điểm cơ chế ưu tiên giải phóng mặt bằng
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP, 4 tuyến quốc lộ đều có đề xuất chủ trương đầu tư và hiện đang đợi trình HĐND TP thông qua trong kỳ họp tiếp theo.
Riêng tuyến QL50 đã thông qua chủ trương đầu tư, tuyến này ngoài nối kết tỉnh Long An - Tiềng Giang mà còn nối kết với cao tốc Bến Lức - Long Thành với QL50.
Nếu đồng bộ cầu vượt Bình Tiên, QL50 sẽ hình thành trục Bắc - Nam mới, liên vùng, nối kết phía Nam TP với trung tâm TP.
Về thực trạng các tuyến quốc lộ trên, ông Phúc cho hay, hiện trạng mặt cắt ngang hẹp, ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông rất nhiều, khả năng giao thương nối kết hình thành các vành đai và cửa ngõ rất hạn chế. Các dự án hoàn thành sẽ giảm bớt TNGT, ùn tắc giao thông, nối kết liên vùng giúp phát triển kinh tế - xã hội và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ông Phúc, GPMB là nút thắt ảnh hưởng đến tiến độ dự án giao thông, TP đã có nhiều giải pháp.
Cụ thể, là rút ngắn trình tự thủ tục, ưu tiên TP.HCM thí điểm cơ chế giải phóng mặt bằng. Theo đó, TP sẽ lập ra được quy trình GPMB rút gọn thời gian. Do đó, TP đang giao Sở TN & MT trình một quy trình thí điểm mới, không chỉ rút ngắn về mặt thủ tục mà về nội dung cũng được rút ngắn.
Về vốn đầu tư dự án, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, tuyến quốc lộ nên dùng hoàn toàn ngân sách Trung ương và không dùng hình thức BOT. Các tuyến này kết nối các tỉnh lân cận khác như Bình Dương, Tây Ninh, Long An… Do đó, cần làm sớm vì để càng lâu thì chi phí GPMB đội lên rất cao.
Ngoài ra, TP không nên "chẻ" nhỏ dự án mà nên tính luôn cả dự án hoặc chia làm nhiều giai đoạn sẽ tạo được hiệu quả có tính kết nối vùng.