Giai đoạn 2021 - 2025, TP HCM ưu tiên đầu tư 5 dự án kết nối liên vùng, trong đó có 4 dự án kết nối với tỉnh Long An và 1 dự án kết nối sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) để thúc đẩy phát triển KT-XH và giải quyết tình trạng ùn tắc đang diễn ra nghiêm trọng tại khu vực cửa ngõ phía Nam.
Gần 44.000 tỷ đồng đầu tư 5 tuyến đường kết nối các tỉnh
Sở GTVT TP HCM cho biết, trong số 5 dự án được ưu tiên đầu tư có 2 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố với số vốn 2.800 tỷ đồng; 3 dự án còn lại từ vốn Trung ương và vốn PPP. Hiện 5 dự án trên đang được Sở GTVT đề xuất trình chủ trương đầu tư. UBND TP HCM cũng giao Sở GTVT phối hợp với Sở KH&ĐT trình chủ trương đầu tư trên cơ sở cân đối nguồn vốn.
Trong số này, dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Ngã Ba Giồng - cầu TL9) kết nối với đường tỉnh 824 (huyện Đức Hòa) dài 22km (TP HCM 7,3km, Long An 15km). Mặt cắt ngang tuyến đường 4 làn xe sẽ được đầu tư với chi phí dự kiến 2.412 tỷ đồng.
Dự án nâng cấp mở rộng đường Long Hậu (đoạn từ đường Nguyễn Văn Tạo đến giáp ranh Long An, huyện Nhà Bè) có tổng mức đầu tư 388 tỷ đồng, được lấy từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
3 dự án còn lại sử dụng nguồn vốn Trung ương, PPP gồm: đường Võ Văn Kiệt nối dài (đoạn Vành đai 3 - giáp ranh Long An) kết nối khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô, huyện Đức Hòa (Long An). Trong đó, đoạn TP HCM đầu tư mới tuyến đường dài 12,5km, chiều rộng 40m, đoạn tỉnh Long An đã đầu tư quy mô 6 làn xe với tổng kinh phí 13.837 tỷ đồng.
Dự án xây dựng đường mới phía Tây Bắc dài khoảng 19,8km, điểm đầu tại QL1A (quận Bình Tân) và điểm cuối tại Vành đai 4, gần thị trấn Hậu Nghĩa (tỉnh Long An) có tổng mức đầu tư dự kiến 7.500 tỷ đồng.
Sở GTVT TP HCM cho biết, đây là đường trục giao thông rất quan trọng kết nối TP HCM đi Long An và các tỉnh miền Tây. Khi tuyến này hoàn thành sẽ chia sẻ lượng xe trên Tỉnh lộ 9 và 10, giảm ùn tắc và TNGT, tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế khu vực trọng điểm phía Nam.
Dự án thứ 5 là tuyến đường trên cao đi dọc Tỉnh lộ 25C vượt sông Đồng Nai, theo đường trục Bắc - Nam kết nối với sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) quy mô từ 7 - 10 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án gần 20.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương.
Kéo giảm ùn tắc cửa ngõ phía Nam
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư các công trình giao thông TP HCM cho biết, các dự án liên vùng trên có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối và giải quyết bài toán ùn tắc, TNGT vốn đang nhức nhối ở khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố; đồng thời tạo kết nối liên vùng. Việc đầu tư tuyến đường còn tạo sức bật và động lực phát triển KT-XH không chỉ cho TP HCM mà còn cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Khó khăn nhất khi đầu tư các dự án liên vùng là nguồn vốn thực hiện và công tác GPMB”, ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông trong những năm tới của TP HCM chỉ đạt khoảng 40% so với nhu cầu hiện tại. Do đó, TP HCM cần tính toán nguồn vốn xã hội hóa hoặc khai thác nguồn lực từ quỹ đất hai bên đường ở các dự án liên vùng trên. Bên cạnh đó, công tác GPMB phải làm sớm và ráo rốt để kiểm soát tốt tiến độ.
Ngoài các dự án trên, cũng trong giai đoạn 2021 - 2025, TP HCM cũng cần đầu tư kết nối các cửa ngõ như QL1A về Kiên Giang, QL50 về Long An, QL22 về Tây Ninh và QL13. Các dự án cửa ngõ này sẽ được đầu tư song song khép kín các tuyến Vành đai để tạo kết nối. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là phải khép kín Vành đai 2, Vành đai 3 mới đẩy nhanh việc phát triển KT-XH ở các cửa ngõ này.
Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cũng cho rằng, ngoài ưu tiên 5 dự án kết nối liên vùng trên, việc hoàn thiện đường Vành đai 3 là vấn đề cấp bách vì đây là tuyến kết nối vùng có vai trò rất quan trọng đối với TP HCM.
“Nếu không làm nhanh Vành đai 3 (QL1 qua TP HCM) sẽ quá tải nghiêm trọng từ miền Đông sang miền Tây, đồng thời tạo ra điểm nghẽn trong giao thương của vùng. Việc này cũng tác động đến các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư sẽ không phát huy hiệu quả như: TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành”, ông Bằng nói.
TP HCM thông qua kế hoạch đầu tư công gần 686.000 tỷ đồng
Theo tờ trình UBND TP HCM, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước là 6.957 tỷ đồng, từ nguồn vốn nước ngoài là 6.986 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách TP HCM dự kiến là 672.862 tỷ đồng.
Cũng theo UBND TP HCM, thành phố có thể cân đối nguồn vốn chi đầu tư phát triển cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 261.967 tỷ đồng, cao hơn 119.410 tỷ đồng so với mức vốn theo thông báo của Thủ tướng Chính phủ (là 142.557 tỷ đồng).
Trong trường hợp này có thể đáp ứng được 38,9% nhu cầu vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương của thành phố.