screen-shot-2022-07-15-at-8-09-55-am-5568-1657856896.png
Ông Gotabaya Rajapaksa gửi thư từ chức sau khi đến Singapore. (Ảnh: AP)

Thông tin này tạo nên sự hân hoan ở thủ đô tài chính Colombo bất chấp lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố.

Đám đông đốt pháo sáng, hô khẩu hiệu và nhảy nhót để chế nhạo Gota Go Gama – tên gọi giễu cợt gắn với biệt danh của ông Rajapaksa.

“Cả nước sẽ ăn mừng hôm nay. Đây là một chiến thắng lớn”, nhà hoạt động Damitha Abeyrathne cho biết.

“Chúng tôi không bao giờ nghĩ có thể đưa đất nước này thoát khỏi họ”, Abeyrathne nói về việc gia đình Rajapaksa thống trị chính trường Sri Lanka trong suốt 2 thập kỷ.

Ông Rajapaksa gửi thư từ chức qua email vào cuối ngày 14/7. Thư này trở thành tài liệu hợp pháp từ ngày 15/7, sau khi được phê duyệt bằng thủ tục pháp lý, phát ngôn viên của chủ tịch quốc hội Sri Lanka cho biết.

Ngày 13/7, ông Rajapaksa chạy sang Maldives bằng một chiếc máy bay quân sự, sau đó sang Singapore trên một chuyến bay của Ả-rập Xê-út.

Cuối ngày 14/7, Chính phủ Maldives xác nhận nước này đã cấp phép ngoại giao cho một chiếc máy bay của không quân Sri Lanka chở Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và phu nhân trong một chuyến quá cảnh.

Một hành khách trên chuyến bay kể với báo chí rằng ông Rajapaksa đã gặp một nhóm nhân viên an ninh và rời khỏi khu VIP của sân bay trên một chiếc xe màu đen có hộ tống.

Bộ Ngoại giao Singapore xác nhận ông Rajapaksa đã đến Singapore theo diện cá nhân, và không xin tị nạn.

Quyết định của ông Rajapaksa về việc đưa đồng minh là Thủ tướng Ranil Wickremesinghe lên làm tổng thống tạm quyền khiến người biểu tình tiếp tục xuống đường, xông vào quốc hội và văn phòng thủ tướng để đòi ông Wickremesinghe từ chức.

“Chúng tôi muốn Ranil về nhà. Họ đã bán đất nước này, chúng tôi muốn người tử tế lên lãnh đạo, và chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến lúc đó”, Malik Perera, một người lái xe kéo 29 tuổi, cho biết khi đang tham gia biểu tình ở quốc hội.

Sri Lanka đã bắt đầu thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ, nhưng tiến trình này bị chậm lại cho những hỗn loạn trong chính phủ.

Ngày 14/7, phát ngôn viên IMF Gerry Rice nói với báo chí rằng tổ chức này vẫn liên lạc với quan chức cấp làm việc của chính phủ Sri Lanka, nhưng hy vọng nối lại đối thoại cấp cao càng sớm càng tốt.

Ngày 14/7, người biểu tình Sri Lanka vẫn ở trong tư dinh của tổng thống, ngắm nhìn những bức tranh, xe hơi đắt tiền và tắm dưới bể bơi.

“Cuộc chiến chưa kết thúc. Chúng tôi phải khiến xã hội tốt đẹp hơn thế này. Chính phủ không giải quyết được vấn đề của người dân”, Terance Rodrigo, sinh viên 26 tuổi, cho biết khi đang ở trong khu dinh thự.