Hãng tin TASS cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 8/3 đã ký sắc lệnh đặc biệt về kinh tế nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Sắc lệnh nêu rõ: "Đảm bảo việc thực hiện các biện pháp kinh tế đặc biệt sau đây cho đến ngày 31/12/2022: Cấm xuất, nhập khẩu các mặt hàng và/hoặc nguyên liệu thô theo danh sách sẽ được chính phủ Liên bang Nga quy định".

putintass-1646783576528-1646787130.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một số sắc lệnh đặc biệt gần đây nhằm đảm bảo sự ổn định an ninh, kinh tế của Nga trước các hành động "thiếu thân thiện" của phương Tây (Ảnh: TASS).

Lệnh cấm sẽ không bao gồm các sản phẩm và nguyên liệu thô mà công dân vận chuyển để phục vụ nhu cầu cá nhân.

Danh sách các mặt hàng, nguyên liệu thô thuộc diện cấm xuất, nhập khẩu trong năm 2022 của Nga sẽ được chính phủ nước này đưa ra trong vòng 2 tuần tới. Ngoài ra, nội các Nga cũng có 2 ngày để lên danh sách những quốc gia, vùng lãnh thổ trong phạm vi ảnh hưởng của sắc lệnh.

Các biện pháp này cùng với các biện pháp được đưa ra trong các sắc lệnh trước đó được coi là cách Nga đối phó với các lệnh trừng phạt từ nước ngoài, đảm bảo sự ổn định kinh tế, tài chính, đảm bảo an ninh quốc gia.

Trước đó, Nga đã công bố các biện pháp kinh tế đặc biệt để đáp trả hành động "không thân thiện" của hàng loạt quốc gia, vùng lãnh thổ.

Danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Moscow coi là "không thân thiện" gồm Mỹ, Canada, các nước Liên minh châu Âu (EU), Anh, Ukraine, Montenegro, Thụy Sĩ, Albania, Andorra, Iceland, Liechtenstein, Monaco, Na Uy, San Marino, Bắc Macedonia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Micronesia, New Zealand, Singapore và Đài Loan. Đây là các quốc gia, vùng lãnh thổ đã áp đặt hoặc tham gia trừng phạt Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Chính phủ Nga cho phép công ty và công dân Nga dùng đồng rúp để trả cho các chủ nợ thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ trong danh sách nói trên.

Giới chức Nga cho biết, sắc lệnh mới nhằm đảm bảo an ninh và sự vận hành liên tục của các ngành kinh tế Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Kể từ khi công nhận độc lập cho vùng ly khai Donbass và mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga liên tiếp hứng các đòn trừng phạt từ phương Tây. Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua 8/3 tuyên bố, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Anh và các nước EU cũng lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga trong một nỗ lực nhằm cô lập nền kinh tế của Moscow sau khi đã áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt "chưa từng có" lên nước này.

Các động thái trừng phạt "ăn miếng, trả miếng" giữa Nga và phương Tây được cho là sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường toàn cầu, đặc biệt là thị trường năng lượng và tài chính. Giá dầu và nhiều hàng hóa khác được dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới./.