0822-156a6030-1665563041.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Bộ Công an

Theo đó, từ ngày 15/10-15/12, Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ; khu dân cư.

Nội dung kiểm tra tập trung vào trách nhiệm về PCCC và CNCH của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; điều kiện an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở, gồm: Hồ sơ theo dõi, quản lý về PCCC và CNCH; việc duy trì các yêu cầu về đường giao thông dành cho xe chữa cháy, khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy và nguồn nước chữa cháy; mặt bằng, công năng sử dụng; giải pháp ngăn cháy lan, giải pháp thoát nạn; trang bị và duy trì hoạt động của hệ thống, thiết bị PCCC và CNCH, các hệ thống kỹ thuật khác có liên quan; quản lý và sử dụng hệ thống điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hóa chất dễ cháy nổ; hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, chuyên ngành…

Đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, lực lượng Công an sẽ tập trung kiểm tra về đường, lối thoát nạn; chống tụ khói, ngăn cháy lan, nhất là việc sử dụng vật liệu trang trí nội thất, cách âm bảo đảm tính chịu lửa theo quy định; trang bị hệ thống chữa cháy, báo cháy tự động và kết nối liên động để tự động ngắt hệ thống điện của dàn âm thanh tại các phòng hát khi có tín hiệu báo cháy. Rà soát, kiến nghị khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH, trong đó cụ thể, làm rõ các tồn tại, vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, công trình, hoạt động của cơ sở.

Mục đích của đợt tổng rà soát, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Chấm dứt tình trạng cơ sở không đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn đưa vào hoạt động, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, hoặc cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Đánh giá đúng thực trạng về PCCC và CNCH đối với cơ sở theo địa bàn; kiểm tra, xử lý 100% hành vi vi phạm về PCCC và CNCH, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo đúng quy định.

Bắt buộc các cơ sở phải khắc phục tất cả những tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH theo quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy tương ứng với thời điểm cơ sở đưa vào hoạt động, kiên quyết không để các cơ sở vi phạm về PCCC và CNCH, có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, đối với công tác tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH lần này, Công an các đơn vị, địa phương phải quán triệt quan điểm việc tổng kiểm tra phải được triển khai quyết liệt, toàn diện đối với 100% các cơ sở thuộc diện quản lý phòng cháy chữa cháy. Tất cả những tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH phải được kiến nghị và bắt buộc khắc phục theo hướng “rõ trách nhiệm, đúng thẩm quyền”. Sau kiểm tra phải tổ chức giám sát chặt chẽ, kiên quyết không để các cơ sở vi phạm về PCCC và CNCH, có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động. Việc xử phạt phải được thực hiện triệt để, tuyệt đối không được bỏ qua lỗi vi phạm hoặc chuyển lỗi nặng thành lỗi nhẹ. Rà soát, kiểm tra kết hợp tuyên truyền nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa cháy, nổ, rà soát đến đâu hoàn thiện phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đến đấy để đảm bảo chủ động trong mọi tình huống cháy, nổ có thể xảy ra.

Thứ trưởng yêu cầu Giám đốc Công an các địa phương trực tiếp chỉ đạo việc tổng kiểm tra, rà soát. Công an các địa phương tổ chức quán triệt, tập huấn thực hiện Kế hoạch số 513 đến tất cả Công an cấp xã. Chủ động tham mưu với UBND các cấp và phối hợp với các ngành chức năng trong tổ chức kiểm tra, đảm bảo tất cả các vi phạm được kiến nghị khắc phục và có giải pháp mạnh mẽ, đúng thẩm quyền theo chức năng quản lý của từng ngành với yêu cầu tất cả các cơ sở vi phạm phải ngừng hoạt động để khắc phục và chỉ hoạt động trở lại khi đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy. Công tác rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC và CNCH phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, bảo đảm khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Xử lý triệt để các vi phạm về phòng cháy chữa cháy, kiên quyết không để các cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy, có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động….Việc kiểm tra, rà roát phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, nghiêm minh, triệt để, không để sót lọt cơ sở không được kiểm tra, xử lý; cơ sở có vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy mà không tạm đình chỉ, đình chỉ và không được giám sát…

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm phối hợp với Bộ Công an để thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao về tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH, khắc phục những tồn tại, thiếu sót giảm thiểu các nguy cơ cháy, nổ…/.