Móc ngoặc từ Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh đến cán bộ trên Trung ương
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, các vấn đề được cử tri nêu rất sâu sát thực tiễn, tổ đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu đầy đủ báo cáo Quốc hội.
Đề cập một số vấn đề nổi bật mà cử tri nêu, trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, vừa qua, Trung ương đã xử lý rất quyết liệt vấn đề này.
“Những cán bộ dù ở chức vụ nào khi vi phạm kỷ luật đều bị xử lý rất nghiêm khắc. Có quyền trong tay nhưng không ai giám sát dẫn đến tự tung, tự tác, muốn làm gì thì làm. Thậm chí bè cánh với nhau, móc ngoặc với nhau trở thành lợi ích nhóm là vô cùng nguy hiểm”, Tổng Bí thư nói.
Dẫn ví vụ xử lý cán bộ ở Hải Dương liên quan vụ Việt Á vừa qua, Tổng Bí thư nói rằng, vụ này không phải chỉ một người mà có sự móc ngoặc với nhau từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh cho đến cán bộ các cấp, và còn móc ngoặc với cán bộ trên Trung ương.
Tổng Bí thư cho biết ban đầu các cán bộ không thừa nhận, nhưng khi tất cả bằng chứng được đưa ra thì phải nhận tội. Tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương đã kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương ở mức cao nhất là khai trừ Đảng (ông Phạm Xuân Thăng - PV).
"Sắp tới các đồng chí chờ, sẽ còn. Làm từng bước, từng bước và rõ đến đâu làm đến đấy làm từng bước vững chắc, không thể cản được", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nhắc lại việc cựu Chủ tịch UBND TPHà Nội Chu Ngọc Anh cũng bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng cùng cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hồi tháng 6 vừa qua, Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc xử lý kỷ luật đã được các cơ quan phối hợp nhịp nhàng, "tinh thần quyết liệt nhưng phải có cách làm, không cãi đi đâu được".
Đề cập đến việc Trung ương vừa ra quy định rất mới là Kết luận số 20 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; trong đó, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật từ chức hoặc chuyển sang công việc khác phù hợp hơn, Tổng Bí thư cho biết, vừa qua, một số ủy viên đã chủ động xin rút không tham gia Ban Chấp hành Trung ương, xin từ chức.
“Hiện nay, không chỉ kỷ luật mà cán bộ nếu thấy có khuyết điểm, tự nhận và xin thôi, tự từ chức thì Trung ương hoặc cơ quan thẩm quyền đồng ý quyết định cho thôi. Việc đó nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn mất hết các chức. Còn ai có điều kiện, sức khỏe, khả năng có thể tham gia vào công việc khác phù hợp hơn chứ không phải cốt xử thật nặng, không còn tình nghĩa gì mới là nghiêm", Tổng Bí thư nói.
Ai bao che, ai bỏ trốn rồi cũng sẽ bị xử lý
Khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong chống tham nhũng, Tổng Bí thư nói, Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang còn tiếp diễn. Một số vụ trọng tâm, trọng điểm làm rồi, và có những vụ cách đây rất nhiều năm, rất ghê gớm, chi phối cả hệ thống chính quyền.
Tổng Bí thư nêu rõ, tinh thần của việc xử lý là giáo dục cảnh tính, cảnh báo, răn đe là chính chứ không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình.
Đồng thời, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, việc xử lý vừa qua làm rất công tâm, khách quan, bài bản, đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghiêm minh nhưng nhân đạo, nhân ái, nhân tình, mở đường cho người ta tiến. Do đó, việc một số thế lực xuyên tạc cho rằng chống tham nhũng là do nội bộ đánh nhau hoàn toàn không đúng, nhằm chia rẽ nên phải hết sức cảnh giác.
"Các bác chờ mấy vụ sắp tới sẽ làm. Có vụ tồn tích lâu rồi, nổi tiếng rồi, thậm chí chạy trốn đi rồi nhưng cũng không thể trốn được. Ai bao che cũng không được, ai bao che xử lý người bao che. Làm quyết tâm, quyết liệt. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của ta được nhân dân rất hoan nghênh, thế giới nể phục", Tổng Bí thư nói.
Trước đó, cử tri Vương Hữu Phú (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) cho hay, thời gian vừa qua, xảy ra một số vụ tham nhũng, tiêu cực kéo dài ở các địa phương nhưng đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương chưa bám sát, quan tâm giải quyết. Do đó, cử tri đề nghị cần nâng cao vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Cử tri Vương Hữu Phú cũng đánh giá rất cao hoạt động của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua. Việc 7 Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý khai trừ, cách chức, cho thôi giữ chức vụ trong hơn một năm qua được dư luận đánh giá rất cao.
Đề cập những vi phạm của cán bộ trong vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, cử tri Vũ Thị Thanh (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) nêu ý kiến: “Các vụ án đã, đang, sẽ được đưa ra xét xử cho thấy người vi phạm pháp luật là những người có trình độ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo”.
Cử tri Thanh bày tỏ tiếc nuối khi vừa qua, nhiều cán bộ cấp Trung ương và nhiều công chức đã bị bắt để điều tra vi phạm pháp luật ở các lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt, vụ đại án Việt Á khiến 100 người đã bị bắt là con số rất đau xót. Đồng thời đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu có cơ chế chính sách kiểm soát quyền lực, bởi không có kiểm soát quyền lực hoặc kiểm soát quyền lực yếu thì quyền lực tất yếu bị lạm dụng, phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích nhóm.
“Quyền lực bị tha hóa dẫn đến quan liêu, tiêu cực, tham nhũng; hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành sẽ thấp”, cử tri Thanh nói.
Cử tri Hoàng Minh Bần (quận Hai Bà Trưng) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường các giải pháp kiểm soát quyền lực để các cơ quan, cán bộ công chức thực hiện đúng thẩm quyền, chỉ được làm những điều pháp luật quy định, cho phép./.