Để sở hữu báu vật sanh cổ Tiên lão giáng trần đưa về bộ sưu tập cây khủng trong vườn của mình, đại gia Toàn đô la đã phải bỏ ra 28 tỷ đồng.
Sanh cổ "Tiên lão giáng trần" có giá 28 tỷ đồng khiến giới chơi cây sửng sốt.
Giữa tháng 6/2020, ông Phan Văn Toàn (biệt danh Toàn đô la, trú tại TP.Việt Trì – Phú Thọ) đã bỏ ra 28 tỷ đồng mua cây sanh Tiên lão giáng trần từ ông Nguyễn Văn Chí (Thường Tín, TP.Hà Nội).
Sự kiện này đã gây chấn động cả làng cây cảnh Việt Nam bởi giao dịch quá "khủng" cũng như tên tuổi của những người tham gia vụ chuyển nhượng này. Trước đó chỉ 4 tháng, cây sanh Tiên lão giáng trần của ông Dương Văn Mười (Thường Tín, Hà Nội) mới được chuyển nhượng cho nghệ nhân Nguyễn Văn Chí với giá 16 tỷ đồng.
Vị đại gia Toàn đô-la xác nhận bản thân đã theo đuổi cây sanh Tiên lão giáng trần từ lâu và sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn lên tới hàng chục tỷ đồng để đưa cây này về bộ sưu tập “cây khủng” trong vườn của mình.
Trước đó, tác phẩm đã được đem đi một số triển lãm và đều khiến giới chơi cây “thèm thuồng” bởi đây là một “báu vật” hiếm có trong làng cây cảnh ở Việt Nam.
Được biết, cây “Tiên lão giáng trần” có nguồn gốc là ngọn của một cây sanh khác, được ông Mười cắt ra và chăm sóc trong khoảng hơn 10 năm.
Cây sanh này cao khoảng gần 2m, đặt trong chậu dài 1,5m, cho ra bộ rễ đẹp. Những khối, cục mốc trắng càng làm tăng thêm độ đẹp của cây mà không có công nghệ nào có thể làm ra được, chỉ có cây tuổi đời lâu năm mới có.
Giới chơi cây cảnh đều cho rằng, tác phẩm “Tiên lão giáng trần” xứng đáng với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Thân cây chủ được ông Mười mua của một người dân sinh sống ở vùng Phát Diệm – Ninh Bình, có tuổi đời khoảng 300 năm.
Phần gốc của cây Tiên lão giáng trần đang trong quá trình hoàn thiện bông bán, được chủ nhân đặt cái tên "Thiên địa nhân tụ hợp".
Hiện tại, phần ngọn đã thuộc sở hữu của chủ nhân mới là đại gia Toàn đô la, còn phần gốc cây vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bông tán. Cây cao 3,2m, đường kính gốc lên đến 1,7m và phải mất khoảng 3 năm nữa mới hoàn thiện.
Chỉ có thiên nhiên ban tặng mới được nên anh Mai Văn Tám (chủ nhân của phần gốc cây “Tiên lão giáng trần”) đặt tác phẩm của mình với cái tên “Thiên địa nhân tụ hợp” có ý nghĩa trên là trời, dưới là đất, giữa là con người.