Tại buổi làm việc với Hà Tĩnh, PGS Trần Như Dương cho rằng, tổ COVID cộng đồng chính là vấn đề chiến lược cho phòng chống dịch. Lực lượng này là “ra đa” biết thực tế về tình hình dịch tễ trên địa bàn.

Chiều 19/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cùng đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Tĩnh.

Báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tính từ ngày 4/6 đến chiều ngày 19/6, Hà Tĩnh có 79 ca bệnh tại 6 địa phương gồm: TP Hà Tĩnh 31 ca, Hương Sơn 18 ca, Thạch Hà 16 ca, Lộc Hà 7 ca, Hồng Lĩnh 3 ca, Nghi Xuân 4 ca. Qua rà soát, ngành y tế xác định được 2.024 trường hợp F1, 15.862 F2, các trường hợp F1, F2 đều đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng.

"Tổ COVID cộng đồng là vấn đề chiến lược cho phòng chống dịch ở Hà Tĩnh"
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm việc tại Hà Tĩnh. (Ảnh: Từ Thành)

Hiện nay, Hà Tĩnh cũng đã vận hành bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ với quy mô 70 giường bệnh/ cơ sở. Ngoài ra, Bệnh viện Phổi với quy mô 100 giường cũng đã hoàn thiện các điều kiện để sẵn sàng tiếp nhận khi có ca bệnh mức độ nhẹ và vừa.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh có thể tiếp nhận điều trị 6-8 bệnh nhân mức độ nặng và rất nặng tại Khoa Truyền nhiễm. Về lâu dài, Hà Tĩnh sẵn sàng triển khai đơn vị điều trị COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 150 giường tại trụ sở cũ của Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng… Tỉnh đã mời đoàn chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các buồng ICU trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Về công tác cách ly tập trung, ngoài 5 khu cách ly của tỉnh, hiện 13 huyện, thị, thành phố đã chuẩn bị hơn 300 khu cách ly tập trung, khoảng 4.500 phòng, dự kiến công suất cách ly khoảng 10.000 người, sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận, cách ly tập trung đáp ứng diễn biến dịch bệnh.

Chia sẻ tại buổi làm việc, PGS.TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, việc cách ly, phong toả nhằm mục đích triệt tiêu nguồn lây, từ đó dập tắt ổ dịch. Muốn làm được điều đó, tại các khu phong toả, bên ngoài thực hiện nội bất xuất/ngoại bất nhập, nhưng bên trong phải tuyệt đối tuân thủ cách ly, nhà cách ly nhà. khi đó mới chặt đứt nguồn lây của dịch. Đồng thời, xử phạt nghiêm vi phạm trong khu cách ly, phong toả.

"Tổ COVID cộng đồng là vấn đề chiến lược cho phòng chống dịch ở Hà Tĩnh"
PGS.TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. (Ảnh: Từ Thành)

Theo PGS Dương, tỉnh Hà Tĩnh cũng cần giám sát, lấy mẫu triệt để người sốt/ho trong khu vực khám chữa bệnh, mua thuốc tại nhà thuốc, trong cộng đồng… Đây chính là các ca bệnh chỉ điểm và là chỉ số giám sát dịch tễ quan trọng để nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Ông Dương cũng cho biết, tổ COVID cộng đồng chính là vấn đề chiến lược cho phòng chống dịch. Lực lượng này là “ra đa” biết thực tế về tình hình dịch tễ trên địa bàn. Do đó, Hà Tĩnh cần thiết lập nhiều hơn các tổ này và các tổ phải hoạt động thực chất hiệu quả, đồng thời cần có kiểm tra, giám sát… để chấn chỉnh ngay những tồn tại.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Cục trưởng Cục Quản lý môi trường cho hay qua kiểm tra thực tế cho thấy doanh nghiệp chưa chủ động lên kịch bản ứng phó nếu xảy ra có dịch trong nhà máy.

Đối với các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế khuyến nghị tỉnh cần yêu cầu các nhà máy, doanh nghiệp... thành lập tổ an toàn COVID doanh nghiệp. Mỗi tổ khoảng 3-4 người, có phân công nhiệm vụ rõ ràng. Bên cạnh đó, triển khai ngay quản lý công nhân ở địa phương khác đến làm việc trên địa bàn; phương tiên đi lại; khu vực tập trung đông công nhân của các khu công nghiệp lưu trú… Tỉnh cũng nên tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một số doanh nghiệp, nhà máy… nếu đơn vị nào không đảm bảo yêu cầu thì tạm ngưng hoạt động và yêu cầu khắc phục để làm gương cho các doanh nghiệp, nhà máy khác…

Một số mẫu bệnh phẩm COVID-19 tại Hà Tĩnh mang biến chủng Ấn Độ

Tại buổi làm việc, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin: Mẫu bệnh phẩm của một số bệnh nhân COVID-19 Hà Tĩnh gửi ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải trình tự gen là biến chủng Ấn Độ.

"Tổ COVID cộng đồng là vấn đề chiến lược cho phòng chống dịch ở Hà Tĩnh"
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. (Ảnh: Từ Thành)

“Kết quả giải trình tự gen của 2 vợ chồng F0 đầu tiên của Hà Tĩnh cũng trùng hợp với kết quả các mẫu bệnh phẩm ở Bình Dương”- GS.TS Đặng Đức Anh nói.

Về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn nhấn mạnh, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, thực hiện tiêm đảm bảo an toàn. Thời gian tới, ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc- chiến dịch tiêm chủng quốc gia, vì vậy đề nghị tỉnh cần lập tức tập huấn về công tác tiêm chủng cho toàn tuyến.

Thực hiện nguyên tắc 5K+vaccine

Phát biểu tại buổi làm việc Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng chống dịch. Thứ trưởng cũng nêu rõ, để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân tuân thủ nguyên tắc 5K + vaccine trong phòng chống dịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, yêu cầu Sở Thông tin và truyền thông lập Trung tâm điều hành về công nghệ thông tin để có thể tích hợp quản lý mọi công tác phòng chống dịch, đặc biệt tại các khu cách ly.

Ông Tuyên cũng lưu ý Hà Tĩnh cần phát động phong trào toàn dân phát giác những trường hợp nhập cảnh trái phép, trốn cách ly...

Về năng lực xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh tổ chức ngay việc tập huấn cho lực lượng y tế đến tận tuyến xã và cả lực lượng công nhân trong các khu công nghiệp để có thể lấy mẫu xét nghiệm thuần thực. Đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc những trường hợp ở các khu vực nguy cơ khu công nghiệp, bệnh viện… Đối với trường hợp F1 xét nghiệm mẫu đơn, trường hợp khác xét nghiệm mẫu gộp, có thể gộp 10 mẫu.

Về điều trị, Thứ trưởng lưu ý Hà Tĩnh cần chủ động phương châm 4 tại chỗ, nếu cần hỗ trợ thì kết nối ngay hệ thống hội chẩn từ xa để các chuyên gia tuyến trên kịp thời hỗ trợ về chuyên môn./.