Hát ví phường vải là một trong những thể đặc sắc nhất của dân ca ví giặm xứ Nghệ. Một trong những điểm nổi bật của hát ví phường vải là có tính trí tuệ sắc sảo và chất trữ tình đằm thắm trong nội dung lời ca và âm điệu.
 
Tính trí tuệ
 
Trí tuệ trong hát phường vải xuất phát từ tính chất hát đối đáp, đối thoại, thử thách về trình độ hiểu biết, trí thông minh của nhau. Bên cạnh tri thức, yêu cầu quan trọng của người hát là nhanh trí và khôn khéo, có khả năng ứng xử và đối phó mau lẹ, tinh tế với những tình huống phức tạp, bất ngờ.
 
Một trong những thủ tục bắt buộc của một cuộc hát ví phường vải là bên nam phải trả lời được câu đố của bên nữ mới được mời vào để hát tiếp. Trả lời câu đố xem như là chiếc vé vào cửa để tiếp tục cuộc vui. Nhà văn Nguyễn Tất Thứ viết: “Đã đi nhởi đến phường vải, dù khó thế nào cũng phải đối, nếu không sẽ bị phường ví kháy, đến xóc xương. Kể cũng khổ biết bao cho các thầy nho đi ví, không những đã đối là phải đối cho chỉnh, lại còn phải đáp nữa. Nếu đối mà không đáp tức sẽ bị sổ truôn, đáp mà không đối cũng bị chị em loại ra ngoài ngõ…” (Ví phường vải). Hoạt động đố - đáp - đố diễn ra liên tục, do đó cả hai bên đều phải có sự chuẩn bị về kiến thức, đặt lời hát và dự trù các tình huống để trả lời. Nhiều người hát giỏi cứ nghe ở đâu có phường hát hay là đến, để được thử tài, thi tài.
 
Chính không khí đối đáp thử thách tài năng đã tạo ra tính trí tuệ cho lời hát ví phường vải. Sản sinh trong môi trường sản xuất nông nghiệp đã đạt đến trình độ cao và là những cái nôi của học hành khoa cử, nhiều nghệ nhân và người tham gia hát, “thầy bày” là môn đồ cửa Khổng sân Trình hoặc chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của nền văn hóa Hán nên trong nội dung hát ví phường vải nổi lên hai phương diện tri thức dân gian và bác học.
 
Những câu hát phường vải hàm chứa một kho tàng tri thức, kinh nghiệm dân gian phong phú về thời tiết, thiên nhiên, sản xuất, cuộc sống. Một nhà nho đã có vợ con đề huề đi hát phường vải, có ý “đèo bòng”, bị chị em “chất vấn”: “ấm thân hồ hởi chai lơ. Bàn hoàn chung chén nhắm chờ ai đây?”. Cái thú vị của câu hát là một chuỗi kết hợp “ấm, hồ, chai, bàn, chung, chén, nhắm” đều là những dụng cụ, động tác của một bữa tiệc.

Trong hát ví phường vải, yêu cầu người hát không chỉ biết mà còn phải hiểu, hiểu được bản chất của sự vật, hiện tượng và đáp ứng được yêu cầu của người hỏi trong những tình huống đặc biệt. Khi gặp câu hỏi: “Đến đây hỏi bạn một lời. Đá lèn ăn với lộc chi ơi chàng”, nếu chỉ tư duy theo logic thông thường thì sẽ bế tắc, phải là người am hiểu văn hóa dân gian mới có lời đáp: “Anh đây giảng sách đã thông. Đá lèn ăn với trầu không ơi nường”. Còn nội dung đối đáp sau đây “Đố anh chi sắc hơn dao. Chi sâu hơn bể, chi cao hơn trời” - “Em ơi mắt sắc hơn dao. Bụng sâu hơn bể, trán cao hơn trời” không chỉ thể hiện trí tuệ dân gian mà còn chứa đựng quan niệm đề cao con người mang tính nhân văn sâu sắc.
 
Trí tuệ thông minh, hóm hỉnh của người dân còn được thể hiện trong những tình huống đối đáp “ăn miếng trả miếng”, khi câu hỏi phi logic thì lời đáp cũng phi logic. Ví dụ: “Đi ngang giữa bãi cát vàng. Con rồng đau bụng, hỏi chàng thuốc chi?”. Đã không có chứng “rồng đau bụng” thì các “vị thuốc” cũng phải “độc”, không thể tìm được: “Lông lươn, đuôi ếch, rễ cột nhà. Xương trùn (giun), mỡ mọi (muỗi), nước đái gà làm thang”.
 
Với sự tham gia của các đối tượng hiểu biết về văn chương chữ nghĩa, nội dung lời hát ví phường vải mang tính chất bác học, rõ nhất là sự xuất hiện với tần số cao các yếu tố văn hóa Hán Nho. Có rất nhiều các câu hát đố chữ, đố kiến thức, chơi chữ Hán, các tác phẩm văn chương bác học, lịch sử dân tộc … Lối “bẻ chữ” được thể hiện trong nội dung đối đáp: “Nghiêng tai nói nhỏ với vua. Chàng mà đối được, thiếp mua làm chồng” - “Ông Thánh Khổng tử là ai. Trên thời chữ “nhĩ”, dưới bài chữ “vương”. Nguồn gốc câu đố xuất phát từ chữ “thánh”  gồm phía trên chữ “nhĩ”  và chữ “khẩu” , phía dưới chữ “vương”. Sau này, khi tiếng Pháp được giảng dạy ở Việt Nam, thì trong lời hát ví phường vải cũng có chữ Pháp. Ví dụ: “Sao rua gọi suốt ngày đêm. Lòng anh mến mãi dạ em mê hoài”, có sự xuất hiện của hai chữ Pháp là “jour” (rua) nghĩa là ban ngày và “aimer” (mê) nghĩa là yêu thương.
 
 Có sự hòa quyện đến mức khó tách bạch giữa tri thức dân gian và tri thức sách vở trong lời hát ví phường vải, hay nói cách khác tri thức bác học đã được “folklore hóa” để câu hát không còn khô khan mà phập phồng hơi thở của sự sống nhân gian. Không chỉ am hiểu tri thức sách vở, mà còn phải là người địa phương Nghệ Tĩnh mới có được câu ví sau: “Ai xô ông Tể, ông Tể Ngã. Ai lôi ông Phàn, ông Phàn Trì? Chàng mà đối được, thiếp nữ nhi xin về” - “Ai đạp ông Cô mà ông Cô Trúc, Ai đơm vua Vũ mà vua Vũ Vương. Anh đà đối được thì nường tính răng?” (“trúc”, phương ngữ Nghệ Tĩnh nghĩa là đổ, ngã).

Tri thức sách vở, đạo lý thánh hiền là tài sản chung, ai học thì biết, nhưng vận dụng vào tình huống thực tiễn sao cho hợp tình hợp lý mới là khó. Tình huống bên nữ đưa ra “Quân sư phụ là tam cương giả. Đi một chuyến đò đắm cả cứu ai?” quả là nan giải; bên nam nhanh trí đáp: “Anh liều nhảy xuống sông ba. Trên đầu đội chúa, lưng cõng cha, tay dắt thầy”. Hoặc khi cô gái hỏi: “Tiếng đồn anh học chữ ngoài triều. Chị dâu rơi xuống giếng nắm đường nào kéo lên?”, trả lời sao cho “vẹn cả đôi đường” không dễ. Nhưng trí tuệ dân gian đã lóe sáng: “Anh xách cái đầu lỗi đạo nhân huynh. Thò tay vào mình “thụ thụ bất thân”. Không cứu chị dâu thì lỗi đạo từ đường. Dòng dây thả xuống giếng, chị nương chị trèo”. Trong hai câu hỏi tình huống nói trên cũng là kiểu “giễu nhại” của người dân về sự cứng nhắc, máy móc của đạo lý Nho gia.
 
Chất trữ tình đằm thắm
 
Nội dung trữ tình của hát ví phường vải rất phong phú, thể hiện vẻ đẹp, chiều sâu tâm hồn của người dân qua các thời kỳ lịch sử. Hát “ví” nghĩa là hát đối đáp, giao lưu tình cảm nên âm hưởng trữ tình chiếm vị trí chủ đạo. Tính chất trữ tình đằm thắm toát lên từ nhiều yếu tố: không gian, thời gian, cử chỉ, điệu bộ, âm điệu, ca từ… mà để hiểu, cảm một cách đầy đủ, phải trực tiếp tham gia hay chứng kiến cuộc hát phường vải. Một ánh trăng, làn gió, tiếng xa quay, một ánh mắt, nét cười, tiếng “ơi”… đều góp phần tạo nên không khí trữ tình đam mê khó diễn tả, chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Ở phương diện lời ca, có thể thấy sự xuất hiện với tần số cao các từ ngữ hô gọi, với âm hưởng tha thiết, hướng đến sự giao cảm về tâm hồn: “ơi”, “hỡi”, “có hay”, “rứa chàng”, “rứa em”, “tính răng”, “ơ mình”, “xin thưa”… và các từ ngữ thể hiện tâm trạng, khát vọng “nhớ”, “thương”, “yêu”, “say”, “mê”, “mến”, “ngẩn ngơ”, “sầu”, “chờ”, “tìm”… Cách xưng hô cũng hết sức trìu mến: “khách tương phùng - tương tri”, “chàng - thiếp”, “anh - em”, “bạn - mình”, “đôi ta”, “người tình nhân”, “quân tử - thuyền quyên”… Khi chia tay bạn hát hỏi: “Ra về có nhớ em không. Hay là vui thú vườn hồng quên đi?”, chàng trai cất lời: “Ra về nhớ lắm em ơi. Nhớ duyên em nói, nhớ lời em thưa”. Đúng là rút ruột mà hát. Trong ví phường vải có rất nhiều câu như vậy.
 
Trong hát ví phường vải, có một thế giới hình ảnh ví von so sánh đậm chất trữ tình. Trong lời hát chào, hai bên đều đưa ra những hình ảnh có vẻ đẹp tao nhã, thể hiện tình cảm mến yêu, trân trọng đối với nhau. Đó là các hình ảnh “ong bướm”, “vườn hoa”, “Tần cung”, “hạc”, “phượng”, “rồng”, “mây”, “sen”, “liễu”, “Thúy Kiều - Kim Trọng”, “Vân Tiên - Nguyệt Nga”, “thiên thai”, “đào tiên”, “trăng bạc - gió vàng”… Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều hình ảnh so sánh gắn liền với “đôi ta”, hình ảnh nào cũng gợi hình, gợi cảm, chan chứa yêu thương: “Đôi ta như chỉ xe đôi. Khi săn, săn cả, khi lơi, lơi cùng”; “Đôi ta như rắn liu điu. Nước chảy mặc nước, ta dìu lấy nhau”; “Đôi ta như miếng trầu cau. Giấu thầy giấu mẹ đưa sau bóng đèn”; “Đôi ta như bấc với dầu; Khêu ra cho rạng kẻo sầu tương tư”; “ Đôi ta như cặp chim non; Khi vui ríu rít, khi buồn vẩn vơ”…
 
Xu hướng phổ biến trong chất trữ tình của hát ví phường vải là âm hưởng trầm buồn, tha thiết. Theo nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, nguyên nhân của hiện tượng này do hoàn cảnh cuộc sống ngày xưa, những mối duyên tình nam nữ thường không đạt như ý nguyện; tình duyên càng bị ngăn cản, đè nén càng biểu hiện tha thiết, mãnh liệt trong lời ca, tiếng hát với bạn tâm giao. Theo chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến âm hưởng trầm buồn trong hát ví phường vải không chỉ có thế, mà còn xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử, kinh tế - xã hội của thời xưa, cũng như xuất phát từ nguyên lý sáng tạo của văn học nghệ thuật nói chung, ca dao dân ca nói riêng. Kinh Thi có câu: “Tâm chi ưu hĩ, ngã ca thả dao” (Lòng ta buồn, ta ca hát), khi người ta buồn thường tìm bạn tâm giao để chia sẻ, và thường mượn lời ca tiếng hát để giãi bày.
 
Nhân đây, xin nói thêm là trong một số bài viết, nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao cho rằng hát ví phường vải là hát giao duyên, của những đôi trai gái yêu mến nhau và để kết nối tình duyên đôi lứa. Nếu quan niệm như vậy, sẽ không thể giải thích được hiện tượng rất nhiều người đã có chồng, có vợ, nhiều người cao tuổi râu tóc bạc trắng cũng đam mê hát phường vải đêm này qua đêm khác, phường này qua phường khác. Nếu chỉ vì mục đích giao duyên, khi mục đích đã đạt được, hoặc không còn cơ hội (đã kết hôn), thì người ta sẽ không hát nữa, nhưng sự thực không phải như vậy. Do đó, thiết nghĩ nên lí giải vấn đề ở một góc độ khác. Chúng tôi cho rằng, hát ví phường vải là một sinh hoạt văn hóa, một loại hình nghệ thuật mà các đối tượng tham gia được “nhập vai”, được sống trong một thế giới của cái đẹp, của sự thăng hoa về cảm xúc, tâm hồn, được thỏa mãn nhu cầu tình cảm và thẩm mỹ. Điều này lí giải sức hấp dẫn mạnh mẽ, bền bỉ của hát ví phường vải đối với những người trong cuộc.
 
Mối quan hệ giữa yếu tố trí tuệ và trữ tình trong hát ví phường vải
 
Giữa hai yếu tố trữ tình và trí tuệ của hát ví phường vải có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất, không thể tách rời, “tuy hai mà một”. Trong đó, yếu tố trữ tình là chính, còn yếu tố trí tuệ chỉ là phương tiện để nhằm chuyển tải nội dung trữ tĩnh. Câu đối đáp sau là một ví dụ: “Kim là vàng, kim là nay. Phùng là gặp, phùng là may. Tối hôm nay may gặp bạn tương phùng. Kim vàng may tấm tình chung nỉ vàng” - “Đăng là đèn, đăng là lên. Thành là thật, thành là nên. Toan đem tay ngọc gạt thêm ngọn đèn”. Các từ ngữ Hán Việt được lựa chọn nhằm biểu đạt cảm xúc vui mừng khi gặp bạn tương tri, khát khao chân thành gắn bó dài lâu, chung thủy.
 
Không phải ngẫu nhiên mà cô gái đố: “Đấm một đấm hai tay ôm quàng. Thuyền chèo lên núi, thiếp hỏi chàng chữ chi?”. Trong câu hỏi này, chữ nghĩa (chữ “mật”) được diễn giải một cách độc đáo, tinh nghịch, gợi nên khát khao tính giao thầm kín, một điều vô cùng khó diễn tả bằng cách nói trực tiếp, đối với phái nữ. Và cách trả lời của chàng trai cũng rất tế nhị: “Lại đây nói nhỏ em nì. Đó là chữ “mật” một khi rõ ràng”. Vì là chữ “mật” (bí mật) thì phải ghé tai nói nhỏ, nhưng cũng gợi nên mối quan hệ thân mật, gần gũi, rất phù hợp với ẩn ý mà cô gái nêu lên.
 
Trong cách chơi chữ có vẻ lắt léo sau đây, không khó để nhận ra tình cảm thiết tha đằm thắm của những người trong cuộc: “Nhớ anh nhất nhật một ngày. Đêm tơ tưởng dạ, lòng rày nhớ trông” - Chờ em nửa tháng ni rồi. Ôm đờn bán nguyệt dựa ngồi bóng trăng”; “Dở dang, dang dở vì sông. Ngày làm công nhật, đêm trông dạ chàng” - “Tưởng tơ, tơ tưởng vì tơ. Trăng lồng bóng nguyệt, gió đưa phong tình”.   
 
Theo nhà văn Nguyễn Tất Thứ, khi Phan Bội Châu và các bạn văn chương đi hát, bên nữ đố: “Độc đạo Nam thành chí Bắc thành. Thiên trung bán nguyệt điểm tam tinh. Tam nhân đồng tọa ngưu vô giác. Nhất điểm tam hoành dữ khẩu thanh. Chàng mà giải được, thiếp xin theo hầu”. Trong 4 câu hát có 4 chữ Hán, bốn chữ hợp lại thành một câu có ý nghĩa, quả là rất khó.

Nhưng đối với những người tài năng xuất chúng như Phan Bội Châu và đồng môn thì không cần suy nghĩ lâu đã có ngay lời đáp: “Nhất tâm phụng thỉnh” ơn nàng. Một lời ghi tạc đá vàng thủy chung”. Bốn chữ trong câu đố: “nhất, “tâm”, “phụng”, “thỉnh” nghĩa là “một dạ xin mời” rất mực chân tình, trân trọng. Ở đây, chữ nghĩa, tri thức chỉ là phương tiện, như dây nối để con diều trữ tình cất cánh, thăng hoa. Nếu chỉ thuần túy trí tuệ, lí tính thì câu hát sẽ sa vào rắc rối, cầu kì, khô khan, kém hấp dẫn. Câu hát ví phường vải sở dĩ có sức sống bền lâu trong tâm thức nhiều thế hệ nhân dân là bởi sự hòa quyện giữa hai yếu tố trí tuệ và trữ tình, trong đó trữ tình là nội dung chính.