Tình trạng chiếm đoạt tài khoản Facebook của người khác với số lượng lớn rồi rao bán cho các đối tượng xấu thực hiện các hành vi bất minh đang diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi. Không ít người đã trở thành nạn nhân, bị thiệt hại cả về uy tín lẫn tiền bạc. Thủ đoạn lừa đảo này không mới nhưng nhiều người vì không cẩn thận, không kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền, cho nên vẫn bị lừa.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố 46 đối tượng về hành vi "xâm nhập trái phép mạng máy tính". Trong vụ án này, đối tượng điều hành và các mắt xích trong đường dây đã sử dụng thủ đoạn tinh vi để tổ chức chiếm quyền sử dụng hơn 34 nghìn tài khoản Facebook của người khác. Cụ thể, các đối tượng cầm đầu là Lại Hoàng Mạnh (SN 1991, trú tại xã Tân Lĩnh) và Hoàng Văn Khiết (SN 1990, trú tại xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái), có đăng bán tài khoản Facebook trên website Manhads.net.

Công an đã khám xét khẩn cấp tại 3 điểm trên địa bàn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Quá trình khám xét đã thu giữ 41 máy tính để bàn, 3 máy tính xách tay, 3 model kết nối internet, mã nguồn của phần mềm, hơn 20.000 Gb (Gigabyte) dữ liệu thông tin người dùng, dữ liệu website Manhads.net và triệu tập hơn 50 đối tượng đang có mặt tại địa điểm khám xét về Phòng Cảnh sát hình sự để làm việc.

Sau khi chiếm đoạt số lượng lớn các tài khoản facebook, các đối tượng rao bán trên các nền tảng mạng xã hội, với mức giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng, tùy thuộc vào dữ liệu của từng tài khoản, tài khoản nào có nhiều tương tác sẽ được bán với giá cao hơn.

5-1703035665.jpg
Ảnh minh họa

Nhiều tài khoản sau khi bị hack thì các đối tượng sẽ trực tiếp sử dụng hình thức mạo danh nạn nhân bị chiếm đoạt để hỏi vay mượn tiền người thân của họ, thậm chí là đăng tải những thông tin sai sự thật, trái pháp luật.

Ông Đặng Văn Lâm (ở Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Tôi có cậu con trai đang du học ở nước ngoài. Một hôm, thấy có tin nhắn qua messenger từ facebook của nó với nội dung "bố chuyển tiền cho con đóng tiền học nhé", vì bố con thường xuyên trao đổi với nhau qua messenger nên tôi cũng chủ quan, thấy gửi số tài khoản và bảo chuyển vào đó, nên tôi chuyển luôn. Đến khi chột dạ mới gọi cho con để hỏi thì phát hiện mình đã bị lừa. Tôi có trình báo cơ quan chức năng nhưng vẫn bị mất tiền".

Chị Nguyễn Kim Ngân (ở huyện Văn Chấn, Yên Bái) cũng là một nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản. "Một hôm, tôi nhận được tin nhắn qua messenger của cô bạn, bảo chuyển giúp 5 triệu đồng vào tài khoản của chủ hàng vì nhập hàng thiếu tiền. Mình tin tưởng, cứ thế chuyển. Đến khi thấy cô bạn thông báo là bị hack tài khoản Facebook mới ngỡ ra mình đã bị lừa", chị Ngân nói.

Theo ông Trần Uy Phương, kỹ sư tin học ở Hà Nội, cho biết, các tài khoản bị chiếm đoạt thường được sử dụng với nhiều hình thức. Có những tài khoản thì dùng để lừa đảo trực tiếp, có tài khoản được dùng để làm "chim mồi", phục vụ cho các thủ đoạn lừa đảo khác. Ví dụ, một tài khoản đăng tin rao bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Sau đó, họ sẽ sử dụng nhiều tài khoản đã mua để bình luận, tán dương cho các sản phẩm đang quảng cáo đó. Từ đó, người tiêu dùng tin tưởng là sản phẩm tốt, sẽ bỏ tiền ra mua mà không biết rằng mình đã bị "lùa gà".

Chị Hoàng Hải Nhân (ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) cho biết: "Tôi bị bệnh u, thấy quảng cáo bán loại cao thảo dược có công dụng trị bệnh u trên facebook, tôi vào xem thì thấy nhiều tài khoản Facebook bình luận là đã sử dụng loại cao này và có hiệu quả, khỏi bệnh. Tôi cũng tin tưởng và bỏ tiền ra mua. Đến khi có đứa cháu ở Hà Nội về, bảo cô đã bị lừa, vì những kẻ tự nhận là bệnh nhân đã mua sử dụng và khỏi bệnh kia với người bán hàng đều là một giuộc với nhau. Mình mang cái cao thảo dược ra xem thì mới để ý, nó chỉ là thực phẩm bổ sung, thế là mất toi hơn 3 triệu đồng".

Theo một cán bộ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), hiện nay, tình trạng chiếm đoạt tài khoản trên mạng xã hội vẫn thường xuyên xảy ra. Các đối tượng có nhiều cách, thí dụ yêu cầu đăng nhập một ứng dụng trò chơi, chỉnh sửa ảnh… hoặc gửi các đường link và chiếm đoạt tài sản sau khi người dùng truy cập.

Ngoài ra, một hình thức lừa đảo cũng khá phổ biến, đó là dùng hình ảnh đại diện, mạo danh những nhãn hàng lớn hoặc người nổi tiếng rồi mời chào mua hàng, chia sẻ thông tin… khiến nhiều người bị lừa. Ðể bảo vệ tài khoản, người dùng nên hạn chế chia sẻ những thông tin về danh tính và cần bảo mật nhiều lớp.

Nhiều người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo mật về thông tin tài khoản cá nhân trên mạng xã hội. Thực tế, không ít người dùng tài khoản mạng xã hội để truy cập vào rất nhiều các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Một số người còn đưa nhiều thông tin cá nhân như ảnh, danh bạ, giấy tờ tùy thân lên mạng xã hội. Việc này tạo cơ hội cho các đối tượng dễ dàng khai thác thông tin, từ đó lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Để đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt từ ngành chức năng, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, an toàn, nâng cao tinh thần cảnh giác, không kích hoạt vào các đường link lạ; đồng thời cần cẩn trọng trước những thông tin bán hàng trên mạng xã hội, chủ động bảo vệ chính mình để không trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao./.