Không ít những bệnh nhân COVID-19 điều trị khỏi đã tình nguyện ở lại hỗ trợ các y bác sĩ trong nỗ lực đưa các F0 khác chiến thắng đại dịch.

Hơn ai hết, bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi hiểu rõ nhất “ranh giới tử thần” và nỗ lực của các y bác sĩ trong cuộc chiến với dịch bệnh để đưa mình bước khỏi ranh giới này. Đã có rất nhiều F0 từng chuyến biến nặng được điều trị khỏi đã tình nguyện ở lại hỗ trợ các y bác sĩ điều trị các F0 khác.

Không khí trong các Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 (ICU) được bao bùm bởi tiếng máy thở, tiếng bước chân hối hả và cả những lời động viên, khích lệ của các y bác sĩ để từng chút một đưa người bệnh bước xa “ranh giới tử thần”.

Tình nguyện viên F0 không ngại “ranh giới tử thần”
Tình nguyện viện là F0 đã điều trị khỏi ở lại hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Hà Văn Đạo)

Những F0 điều trị khỏi và tình nguyện ở lại hiểu rõ người bệnh cần “liều thuốc tinh thần nào” để chiến thắng. Tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (TP.HCM) đã có hàng chục F0, từng là bệnh nhân có diễn biến bệnh trung bình đến nặng, tình nguyện ở lại chăm sóc các F0 đang điều trị.

Với N.M.Q (sinh năm 1988, Quận Bình Tân, TP.HCM), chỉ riêng việc anh từng là F0 và nay đã khỏi bệnh đã là một nguồn động lực để các bệnh nhân khác chiến đấu với COVID-19, nhất là phối hợp với các y bác sĩ để có kết quả điều trị hiệu quả.

Sau nửa tháng chiến đấu và chiến thắng COVID-19, Q đã quyết định tình nguyện ở lại hỗ trợ các y bác sĩ chăm sóc các F0 khác. Giữa tiếng máy thở, là giọng nói động viên của Q với các ca bệnh cấp cứu, với bệnh nhân cao tuổi và cả những bệnh nhân trẻ: “Hãy yên tâm bác nhé, hơi thở bác mạnh hơn rồi kìa, chỉ số oxy tăng rồi... Thấy chưa, mình khỏe rồi nè. Nhờ cả và y bác sĩ và nỗ lực của bản thân đấy…”.

Cũng là một F0 tình nguyện ở lại Bệnh viện Dã chiến số 3, N.D.K (20 tuổi, Quảng Ninh) chia sẻ: “Những ngày điều trị cho đến lúc vượt qua giai đoạn nguy hiểm, tôi luôn được các điều dưỡng lăn xả vào thay từng chiếc quần, xoa từng bàn chân, vuốt từng bàn tay, vỗ về bệnh nhân. Nhờ đó, tôi đã dần khỏe lên và khỏi bệnh. Vậy nên, tôi không có gì phải sợ và tôi đang làm như vậy với các F0 đang điều trị”.

Các tình nguyện viên đặc biệt này chia sẻ, khoảng thời gian điều trị trước đây của họ giống như con đường đầy bóng tối, căng thẳng, bệnh ngày càng chuyển nặng hơn. Việc hô hấp ngày càng khó khăn, những đêm trắng thảng thốt giật mình lo sợ, họ đã luôn được y bác sĩ động viên kịp thời. Đến khi được điều trị khỏi và chuẩn bị ra viện, họ lại thấy hình ảnh của chính mình ở những bệnh nhân khác đang điều trị. Điều này khiến họ quyết định ở lại.

Nhìn vào danh sách các F0 từng phải thở oxy hồi sinh ngoạn mục và khỏi hẳn, giờ đang đồng hành cùng mình chăm sóc các F0 khác, BSCKI Lý Quốc Công (Bệnh viện Dã chiến số 3, TP.HCM) cảm thấy niềm vui chữa khỏi COVID-19 được nhân lên nhiều lần.

Tình nguyện viên F0 không ngại “ranh giới tử thần”
Các y bác sĩ, các F0 tình nguyện và các bệnh nhân hiện là người nhà và đang hết sức mình chăm sóc, hỗ trợ lẫn nhau. (Ảnh: Hà Văn Đạo)

Tại phòng cấp cứu bệnh nhân nặng, (Bệnh viện Dã chiến số 3, TP.HCM), từ y bác sĩ đến các tình nguyện viên đều đang tất bật và hết mình với công việc của mình. Giữa họ không còn là bác sĩ và bệnh nhân mà là người nhà, là tình cảm, điều trị, chăm sóc lẫn nhau.

“Ám ảnh nhất với các y bác sĩ là những ánh mắt của người bệnh nặng. Lúc đó, mỗi thầy thuốc đều ước mình có sức mạnh vô biên để có thể làm việc mãi không mệt. Giờ đây, chúng tôi có thêm nhiều tình nguyện viên từng là F0 và có thêm nhiều sức mạnh để chữa trị cho nhiều bệnh nhân nữa”, BS Công chia sẻ./.