Đó là thông tin được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An công bố tại phiên họp báo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022 chiều 18/7. Trong đó các dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Đông Nam là 550 triệu USD và ngoài địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam là 30 triệu USD.
Theo đó, thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, đã cấp mới cho 58 dự án và điều chỉnh 63 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 28.101,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, các dự án tăng thêm 13,72%, tổng số cấp mới tăng 1,39 lần.
Một số dự án thu hút FDI lớn đó là đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc trong Khu công nghiệp Nam Cấm tại vị trí số 3 của Công ty cổ phần điện mặt trời miền Trung MK với tổng mức đầu tư 3.495,16 tỷ đồng); đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc trong Khu công nghiệp Nam Cấm tại vị trí số 4 của Công ty cổ phần Thương mại quốc tế BMC với tổng mức đầu tư 3.385,38 tỷ đồng); Nhà máy chế biến lâm sản, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tại Khu D - Khu công nghiệp Nam Cấm của Công ty TNHH MTV năng lượng An Việt Phát Nghệ An với với tổng mức đầu tư 1.277,32 tỷ đồng)...
Kết quả phần nào khẳng định sự bứt phá của tỉnh Nghệ An trong công tác thu hút đầu tư nói chung và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng trong nỗ lực thoát khỏi "vùng trũng" thu hút FDI.
Thành quả trên đưa Nghệ An lần đầu lọt top10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022 (tính từ ngày 1/1 đến 20/6/2022) theo thứ tự là: Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Long An, Nghệ An, Đồng Nai.
Theo định hướng phát triển trong thời gian tới, Nghệ An sẽ tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp vào Khu kinh tế Đông Nam, các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh sẽ lấp đầy diện tích đã xây dựng hạ tầng trong các Khu công nghiệp VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai 1.
Cùng với đó, tỉnh triển khai đầu tư hoàn thành hạ tầng và thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp Hoàng Mai 2, Thọ Lộc, Khu công nghiệp WHA giai đoạn 2 và tăng tỷ lệ lấp đầy 100% các cụm công nghiệp đang hoạt động và 60% các cụm công nghiệp đang xây dựng.
Đặc biệt, tỉnh ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nghệ An sẽ không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án khai thác tận dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Để thu hút dòng vốn đầu tư nhiều hơn nữa nhằm phát triển kinh tế, Nghệ An đang tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng cảng nước sâu và nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Vinh. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm như đường cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển.
Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, UBND tỉnh Nghệ An sẽ ưu tiên bố trí vốn để triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm. Đồng hành với các nhà đầu tư hạ tầng để kêu gọi xúc tiến các nhà đầu tư thứ cấp.
Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng đang chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phần mềm quản lý dự án đầu tư, dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 9/2022. Bên cạnh đó, xây dựng sổ tay hướng dẫn quy trình thực hiện dự án đầu tư; quy chế phối hợp quản lý dự án. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Nghệ An thành lập mới 1.080 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký là 11.204 tỷ đồng; có 564 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 14,2%; 79 doanh nghiệp giải thể, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Nghệ An ước đạt 10.100 tỷ đồng, hoàn thành 67,4% dự toán (đạt 100,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, thu nội địa 9.162 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 937 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 8,44%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021., đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó công nghiệp và xây dựng ước tăng 11,65%, riêng công nghiệp ước tăng 12,67%.
Bên cạnh đó, thu ngân sách ước thực hiện 10.100 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách 15.303 tỷ đồng (đạt 49,3% dự toán). Trong đó, chi cho đầu tư phát triển là 5.600 tỷ đồng; chi thường xuyên là 9.242 tỷ đồng; chi dự phòng ngân sách là 278 tỷ đồng và chi trả nợ vay là 5,3 tỷ đồng.
Theo Sở Tài chính Nghệ An, so với cùng kỳ năm 2021 thì mức tăng trưởng thu ngân sách còn thấp (chỉ tăng 0,6%). Trong khi đó, một số khoản thu chưa đạt tiến độ dự toán, nợ thuế vẫn ở mức cao với 1.008 tỷ đồng (tăng 225 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tăng 21 tỷ đồng so với cùng kỳ)./.