Theo hãng tin Bloomberg dẫn thông báo của Apple, Lockdown Mode là cấp độ bảo mật cực đoan và có tính tùy chọn. Nếu kích hoạt, nó sẽ chặn các tệp đính kèm trong tin nhắn, tắt xem trước liên kết, vô hiệu hóa một số công nghệ duyệt web mặc định. Tính năng này còn chặn lời mời và cuộc gọi FaceTime từ các nguồn không xác định, tắt chức năng thêm hồ sơ cấu hình mới hoặc đăng ký quản lý thiết bị di động....

rr-1657542022.jpeg

Lockdown Mode là tính năng tuỳ chọn giúp bảo mật iPhone tốt hơn. Ảnh: Apple

Lockdown Mode sẽ có mặt trên iOS 16, iPadOS 16 và macOS Ventura. Apple dự kiến sẽ tung ra chế độ ‘siêu bảo mật’ Lockdown Mode vào nửa cuối năm 2022.

Tính năng này được đánh giá sẽ tăng khả năng bảo mật của iPhone, iPad và MacBook cho những người dùng như nhà báo, nhà hoạt động xã hội và chính trị gia. Chuyên gia Mark Gurman của Bloomberg nhận định tính năng Lockdown Mode không dành cho số đông. Do đó, người dùng được khuyến cáo nên cân nhắc kích hoạt vì có thể khiến trải nghiệm thiết bị không liền mạch.

Apple quyết định bổ sung tính năng Lockdown Mode trong bối cảnh sau khi phần mềm gián điệp Pegasus bị phát hiện có thể theo dõi người dùng một cách tinh vi. Phần mềm này khai thác lỗ hổng zero-day trên iPhone, tạo điều kiện mã độc âm thầm xâm nhập vào điện thoại và đọc dữ liệu trên đó, bao gồm cả tin nhắn và các thông tin liên lạc khác.

Cuối năm 2021, Apple đã khẩn cấp vá lỗ hổng và khuyến cáo người dùng nên cập nhật phiên bản hệ điều hành mới nhất. Họ cũng khởi kiện NSO Group, công ty Israel phát triển Pegasus. Sau đó, NSO Group đã bán phần mềm này cho các cơ quan chính phủ, giúp họ cài chương trình gián điệp vào iPhone.

Liên minh 17 tổ chức truyền thông quốc tế hồi tháng 7-2021 đã cáo buộc Pegasus được sử dụng để đánh cắp dữ liệu từ các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền và lãnh đạo, quan chức cấp cao của một số quốc gia.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từng là nạn nhân của một vụ tấn công điện thoại cá nhân và ông phải đổi điện thoại, thay số liên lạc.