Để đẩy lùi nạn tin giả, theo ông Bình, mỗi người sử dụng mạng xã hội cần phải nâng cao kiến thức cho bản thân và chỉ đọc tin trên các trang báo chính thống.

Trong lúc đại dịch Covid-19 với chủng mới Delta đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và đặt ra không ít thách thức với rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, thì làn sóng tin thất thiệt, tin giả mạo liên quan đến vấn đề này cũng bùng phát, hoành hành trên mạng xã hội, làm rối loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận.

Nạn tin giả "ăn theo” dịch Covid-19 được nhận định là không kém phần nguy hiểm so với bệnh dịch đang diễn ra. Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số đối tượng đã không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc ác ý về tình hình dịch bệnh, mới đây nhất là hình ảnh sai sự thật về người chết vì COVID-19 tại một bệnh viện được cho là tại TP.HCM, nhưng thực tế là ở Myanmar. Đây chỉ là 1 trong hàng loạt tin giả xuất hiện trên mạng xã hội trong thời gian gần đây, bóp méo những nỗ lực phòng chống dịch, gây hoang mang trong cộng đồng.

Tin giả về Covid-19 sẽ "bóp méo" những nỗ lực phòng, chống dịch
Hình minh họa

“Bệnh dịch tin giả” cần xử lý ra sao? Liên quan đến vấn đề này, PV VOV trao đổi với ông Vũ Thế Bình - Giám đốc điều hành Công ty Netnam, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam.

"Tin giả", tin xấu thường giật gân, gây sự chú ý của mọi người

PV: Hiện nay, tin giả về dịch bệnh đang lan truyền với tốc độ chóng mặt, ông đã từng đọc những tin kiểu này chưa? Theo ông “ma trận” tin giả này sẽ gây ra hệ lụy như thế nào?

Ông Vũ Thế Bình: Trong lúc đại dịch Covid-19 đang phức tạp, mối quan tâm của cá nhân tôi cũng như nhiều người dùng mạng xã hội đó là tin tức liên quan đến dịch bệnh. Bản thân tôi cũng gặp rất nhiều tin giả và thất thiệt. Bởi, hiện nay tin tức được chia sẻ trên mạng xã hội rất nhiều và từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, có nhiều tin đúng và tích cực, giúp người dùng mạng xã hội thu thập đủ thông tin, đáp ứng mối quan tâm của mình về thông tin cũng như kiến thức xã hội. Tuy nhiên, cũng có một phần "tin giả" và tin xấu.

"Tin giả", tin xấu thường giật gân, gây sự chú ý của mọi người. Cùng với tốc độ lan truyền của mạng xã hội, nếu người dân không tỉnh táo và phân biệt được thật giả, nó có thể gây hoang mang và tác động tiêu cực đến đời sống của chúng ta cũng như các hoạt động chống dịch.

PV: Có thể thấy, tin thất thiệt hay tin giả mạo liên quan đến dịch COVID-19 trên mạng xã hội hiện nay đã làm rối loạn thông tin cũng như gây hoang mang trong dư luận. Theo ông, những cá nhân mà đăng tải các thông tin sai sự thật, do họ muốn câu like, câu view hay là họ đang cố tình vi phạm?

Ông Vũ Thế Bình: Theo chúng tôi tìm hiểu, cũng có rất nhiều kiểu tung tin thất thiệt. Bởi, đặc tính của các mạng xã hội là chia sẻ thông tin. Nếu không chia sẻ thông tin, mạng xã hội không tồn tại được. Cho nên, có nhiều lý do, trong đấy, có rất nhiều trường hợp người dùng cũng không biết đấy là tin giả, tin xấu cho nên người ta chia sẻ cho người thân, bạn bè.

Việc câu like, câu view đương nhiên có. Thậm chí, một số ít người có động cơ lừa đảo, họ cố tình đưa tin giả, tin xấu để người dùng kích vào, sau đó lấy mật khẩu của họ và thực hiện hành vi lừa đảo.

PV: Liệu rằng có phải do việc quản lý nội dung của các trang mạng xã hội còn nhiều kẽ hở hay không, thưa ông?

Ông Vũ Thế Bình: Gần đây, qua theo dõi các hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước về các quy định và những hành động cụ thể để quản lý mạng xã hội, tôi cho rằng, đã rất là kỹ. Các cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí còn xây dựng các kênh liên hệ trực tiếp với những mạng xã hội lớn để trao đổi thông tin và xử lý các tin giả, tin xấu kịp thời.

Ở góc nhìn về quản lý nhà nước, theo tôi nghĩ đã được quan tâm và dành các nguồn lực nhất định.

Tuy nhiên, đặc tính của mạng xã hội là tốc độ lan truyền thông tin rất nhanh. Cho nên, cuối cùng chúng ta cũng phải chia sẻ với nhau, mấu chốt là ở hành vi của người dùng mạng xã hội. Điều này luôn là thách thức. Bởi, chúng ta có rất đông người dùng mạng xã hội và kỹ năng cũng như kiến thức của các nhóm người dùng khác nhau. Đặc biệt, những nhóm người mới dùng, hoặc những nhóm người dùng có động cơ thích tương tác, chia sẻ thì họ thường quan tâm đến tin tức giật gân. Đó cũng là nguồn gốc giúp cho tin giả hoặc tin không chính xác được lan truyền tốt hơn.

Tin giả về Covid-19 sẽ "bóp méo" những nỗ lực phòng, chống dịch
Ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc NetNam, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam - VIA.

Phân biệt tin giả và tin thật không hề đơn giản

PV: Với vai trò là người trong nghề, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để người sử dụng mạng có thể phân biệt được đâu là tin giả, đâu là tin thật?

Ông Vũ Thế Bình: Để phân biệt tin giả và tin thật không hề đơn giản, nếu người dùng không có kinh nghiệm, hoặc không được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp.

Theo chúng tôi, điều quan trọng nhất mà người dùng nên làm là quan tâm đến nguồn tin chính thức, chính thống. Nguồn tin này, có thể xem trên trang web chính thức của các cơ quan có thẩm quyền, hoặc có thể xem trên các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực. Hiện nay, trên mạng xã hội, các nguồn tin chính thức đã rất cố gắng để cập nhật thông tin nhanh và chính xác. Thứ hai, người dùng mạng cũng cần kiểm tra chéo thông tin để khẳng định tính xác định của tin đó, trước khi chia sẻ

PV: Theo ông, các quy định về pháp luật cũng như chế tài hiện nay đã đủ mạnh để có thể xử lý được triệt để các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội hay chưa?

Ông Vũ Thế Bình: Theo quan sát của tôi, các quy định pháp luật của Nhà nước cũng như xử phạt khá đầy đủ, việc xử phạt được quan tâm, nhanh chóng kịp thời.

Đặc biệt, gần đây chúng ta thấy các cơ quan quản lý nhà nước có những hành động rất nhanh. Cho nên, chúng tôi nghĩ rằng các quy định và cách thức hiện nay để xử phạt, răn đe đã ổn.

Tuy nhiên, việc xử lý, răn đe chỉ có tác dụng, nếu người dùng mạng xã hội biết đến. Tức là họ biết việc đăng tin sai, tin giả sẽ bị xử phạt. Nhưng, hiện nay, việc xử phạt chỉ thực hiện khi hành động xảy ra.

PV: Vậy theo ông cần phải siết chặt vấn đề gì để ngăn chặn triệt để tin giả hay tin thất thiệt. Bởi, thực tế trong thời gian qua các cơ quan chức năng cũng đã xử lý được một số trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, vấn đề vi phạm hiện nay vẫn tái diễn?

Ông Vũ Thế Bình: Gốc của vấn đề vẫn là sự hiểu biết và kỹ năng của người dùng về pháp luật, và phân biệt thật, giả. Thứ hai, sự phối hợp của các đơn vị, cơ quan quản lý, vận hành các nền tảng mạng xã hội. Hai điểm đấy cải thiện được sẽ giúp cải thiện đáng kể câu chuyện tin giả, tin xấu, đang tác động đến người dùng và các hoạt động kinh tế- xã hội.

PV: Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi và bổ sung Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng xã hội. Ông có nhận định như thế nào về những điểm mới trong Dự thảo lần này ?

Ông Vũ Thế Bình: Các quy định trong bản Dự thảo lần này có một số điểm mới, trong đó, tập trung rất nhiều vào các mạng xã hội, đặc biệt là tập trung vào việc quy định rõ hơn trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội cũng như chủ tài khoản. Chúng tôi nghĩ rằng, điều này chắc chắn sẽ giúp việc quản lý thông tin chặt chẽ, hiệu quả hơn, trong đó, có những vấn đề liên quan tới việc ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật.

Trước đây, cũng có quy định liên quan tới các mạng xã hội nhưng lần này rõ ràng, cụ thể hơn. Thậm chí, có những quy định liên quan đến mạng xã hội xuyên biên giới, nơi có số lượng người dùng rất lớn. Chúng tôi nghĩ rằng, chắc chắn quy định mới này, ở một góc độ nào đó các doanh nghiệp sẽ vất vả hơn. Bởi, họ phải đầu tư về kỹ thuật, công nghệ, con người và quy trình để đảm bảo được các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, ở góc độ về quản lý thông tin thì rõ ràng nó chặt chẽ hơn./.

Tin giả về Covid-19 sẽ "bóp méo" những nỗ lực phòng, chống dịch
Giao diện website trung tâm xử lý tin giả Việt Nam

Sự ra đời Trung tâm xử lý tin giả là thực sự cần thiết

PV: Bộ thông tin và truyền thông cũng đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam để công bố tin giả cũng như cảnh báo những hành vi bịa đặt hoặc là lan truyền tin sai sự thật. Hiệp hội Internet Việt Nam có hoạt động phối hợp như thế nào với Trung tâm xử lý tin giả, thưa ông?

Ông Vũ Thế Bình: Chúng tôi cho rằng, việc ra đời Trung tâm xử lý tin giả là việc rất tốt. Ở các nước khác cũng có Trung tâm như vậy. Khi hoạt động của trung tâm bài bản, hệ thống và tự động hóa, góp phần giảm rất nhiều các tác động tiêu cực về tin giả, tin xấu trên các mạng xã hội và giữ môi trường tốt, bình an cho người dân Việt Nam.

Thời điểm này, Hiệp hội Internet Việt Nam chưa có hoạt động cụ thể gì để phối hợp. Tuy nhiên, trong hoạt động phục vụ hội viên, chúng tôi cũng có nhiều hoạt động và phối hợp với các mạng xã hội, để đưa các kiến thức cũng như phổ biến quy tắc ứng xử trên các mạng xã hội đến cho các nhóm người dùng khác nhau. Chúng tôi hy vọng rằng, qua đó có thể có được các hoạt động phối hợp cụ thể, đặc biệt là trong câu chuyện phổ biến các kỹ năng, các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhóm người dùng khác nhau ở Việt Nam.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.