Dù đã đầu tháng 12 âm lịch, nhưng chị Hồ Thị Tuyết - tiểu thương buôn bán hoa, cây cảnh tại chợ Nghèn (Can Lộc) vẫn thấp thỏm, lo lắng vì hàng bán ra rất chậm.
Chị Tuyết cho biết: “Cuối năm là dịp nhiều gia đình trang hoàng lại nhà cửa, mua sắm thêm chậu hoa, cây cảnh nhưng năm nay, do dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên việc mua sắm tết hạn chế hơn. So với năm ngoái, tôi chỉ nhập khoảng 50% số hàng phục vụ tết nhưng đến thời điểm này vẫn chẳng thấy mấy người mua...”.
Tại huyện Hương Sơn, chị Nguyễn Thị Long - chủ một cửa hàng tạp hóa tại chợ Phố Châu (thị trấn Phố Châu) cho biết: "Bình thường, bắt đầu từ tháng 11 dương lịch thì đã ồ ạt lấy hàng bán dịp tết nhưng năm nay chỉ dám đầu tư, dự trữ nguồn hàng bằng 60% so với tết năm ngoái.
Năm nay, tôi không dám “ôm” nhiều hàng tết như mọi năm bởi sợ gần tết dịch diễn biến phức tạp sẽ trở tay không kịp. Tôi đợi thêm đến giữa tháng 12 âm lịch, xem tình hình thế nào mới dám tính có nên nhập tiếp hàng nữa hay không”.
Tại chợ Thành phố Hà Tĩnh - chợ truyền thống lớn nhất tỉnh, không khí sắm tết của người dân cũng khá ảm đạm. Theo chị Nguyễn Thị Hường - kinh doanh mặt hàng bánh kẹo thì vào thời điểm này của những năm trước, lượng khách hàng ra vào sắm tết đã bắt đầu nhộn nhịp, nhưng năm nay không khí mua sắm tết lại khá trầm lắng.
“Nhiều mẫu bánh mứt, kẹo được thiết kế riêng cho dịp tết, thế nên chỉ bán được trong khoảng 1 tháng trước tết, để qua tháng Giêng sẽ bị lỗi hàng. Nhưng với sức mua giảm như hiện tại thì sẽ phải chịu thua lỗ nên tôi chỉ dám bán tới đâu nhập tới đó chứ không dám trữ hàng như mọi năm”, chị Hường chia sẻ.
Khảo sát một số gian hàng bán đồ gia dụng tại các chợ như: chợ Nghèn (Can Lộc), chợ Cày (Thạch Hà), chợ Phố Châu (Hương Sơn), chợ Thành phố Hà Tĩnh,… nhiều tiểu thương đều chung tâm trạng lo lắng bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động sâu đến sức mua của người dân, khiến hàng hóa bị ứ đọng.
Thêm vào đó, thời điểm này, cước vận chuyển hàng hóa tăng khiến nhiều mặt hàng gia dụng “đội” giá thêm 10-15% nên các tiểu thương cũng thận trọng khi trữ hàng tết.
Không chỉ các mặt hàng trang trí, gia dụng, bánh kẹo... chịu cảnh chờ người mua mà một số mặt hàng vốn dĩ “sốt” khách vào dịp tết như quần áo, giày dép nay cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Chị Trịnh Thị Đức - tiểu thương bán quần áo trẻ em ở chợ Thành phố Hà Tĩnh lo lắng: “Dịch bệnh đã có tác động nhiều tới túi tiền của khách hàng nên họ đều thắt chặt chi tiêu, chỉ mua những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, còn quần áo, giày dép… ít khách qua lại. So với năm ngoái, tôi chỉ dám nhập khoảng 40-50% hàng cho mùa tết, nhưng số khách đến mua mỗi ngày cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Ông Nguyễn Thăng Long – Trưởng ban Quản lý chợ Thành phố Hà Tĩnh cho hay: “Nếu như mọi năm, đến thời điểm này, chợ thành phố Hà Tĩnh đã rộn ràng hàng hóa tết thì năm nay, do tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, các tiểu thương tại chợ vẫn chưa dám nhập hàng số lượng lớn bởi lo lắng dịch có thể xảy ra tại chợ bất cứ lúc nào. Lượng hàng hóa nhập vào, bán ra tại chợ đã giảm khoảng 50-60% so với mọi năm”.
Theo ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một bộ phận người dân chuyển qua mua hàng online, hoặc đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi thay vì trực tiếp đến chợ mua sắm, nên nhu cầu mua sắm của người dân sẽ không tăng nhiều khiến các hộ kinh doanh tại chợ vẫn còn e dè trong việc nhập, dữ trữ hàng hóa phục vụ Tết./.