Ngày 5/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đưa ra cam kết đến cuối năm 2022 sẽ hoàn tất tiêm vaccine Covid-19 cho toàn thế giới.

Bài toán nguồn cung vaccine

Theo The Guardian, sẽ không có quốc gia nào tiêm chủng được cho tất cả những người trưởng thành. Cần 60-70% dân số tiêm vaccine Covid-19 để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Theo các chuyên gia, 60-70% dân số trên thế giới có thể tiêm chủng trước tháng 12/2022, nhưng chỉ khi các nền kinh tế hàng đầu G7 hành động ngay lập tức để biến điều đó thành hiện thực.

Tiêm vaccine Covid-19 cho toàn thế giới – mục tiêu đầy tham vọng của G7
Cần 60-70% dân số tiêm vaccine Covid-19 để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Ảnh: AP

Chương trình chia sẻ vaccine COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn lẽ ra là “biện pháp cứu cánh” trong chiến dịch tiêm chủng của các nước có thu nhập thấp. COVAX đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất để mua 2 tỷ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm nay. Tuy nhiên, điều này đã gặp phải trở ngại. Nhà cung cấp chính của COVAX, Viện Huyết thanh Ấn Độ, hiện đang sản xuất vaccine để ứng phó với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng trong nước và sẽ không thể hoàn thành hợp đồng với COVAX trước cuối năm nay.

“Vai trò của nhóm G7 vào lúc này thực sự quan trọng bởi hiện tại đã có khoảng cách về số ca tử vong do Covid-19 giữa các nước trên thế giới”, Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói.

Làm thế nào để có thể tiêm chủng cho toàn thế giới đến cuối năm 2022? Theo The Guardian, câu trả lời là quyên góp vaccine. Anh đã mua đủ vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ dân số nhiều lần, với hơn 500 triệu liều của 8 loại vaccine khác nhau. Chính phủ Anh đã cam kết sẽ tặng số vaccine dư thừa cho COVAX.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cam kết này cần phải thực hiện ngay lập tức bởi số người tử vong do Covid-19 trên toàn cầu đang gia tăng. Ấn Độ, Nepal và châu Phi đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng cao.

Vào mùa thu, vaccine sẽ được sản xuất nhiều hơn và nguồn cung sẽ tới các nước có thu nhập thấp. Nếu các khoản đóng góp vaccine đến cùng thời điểm, nhiều quốc gia sẽ không thể sử dụng hết vaccine trước khi hết hạn do họ có quá ít phòng khám và cơ sở bảo quản lạnh vaccine cũng như thiếu nhân viên y tế để tiêm chủng cho người dân.

Tiến sĩ Aylward cho biết, các quốc gia cần được cung cấp nguồn vaccine ổn định để có thể thiết lập các hệ thống hoạt động hiệu quả và điều này đòi hỏi kinh phí và phải đào tạo một đội ngũ nhân viên. Ngày 7/6, 230 cựu quan chức thế giới từ 5 châu lục đã viết thư cho G7, kêu gọi các nền kinh tế mạnh nhất hỗ trợ 2/3 chi phí vaccine Covid-19, ước tính khoảng 66 tỷ USD trong vòng 2 năm.

Aylward nói rằng, điều này rất có ý nghĩa về mặt tài chính. Trong kế hoạch ngăn chặn đại dịch gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số của mọi quốc gia vào cuối năm nay và 60% vào giữa năm 2022.

Mục tiêu đầy tham vọng

Cho đến nay, 75% vaccine Covid-19 trên thế giới chỉ được phân phối ở 10 quốc gia.

Romilly Greenhill, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận quốc tế One tại Anh, cho biết, mục tiêu tiêm chủng cho toàn thế giới có vẻ đầy tham vọng, nhưng là điều cần thiết. “Đại dịch không thể kết thúc ở bất kỳ đâu cho đến khi nó kết thúc ở khắp nơi trên thế giới. Bởi vậy, chúng ta thực sự cần hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng, với 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2022”, bà Greenhill nói.

“Tôi biết mục tiêu tiêm chủng cho toàn thế giới là rất tham vọng, nhưng thực sự không có lựa chọn nào khác. Vì vậy, nhóm G7 cần bắt đầu hành động và cam kết với kế hoạch, với các nguồn lực cần thiết để đạt được mục tiêu đó”, bà Greenhill nói thêm.

Tiêm vaccine Covid-19 cho toàn thế giới – mục tiêu đầy tham vọng của G7
Một hội nghị của khối G7 tại London, Anh, ngày 04/05/2021. Ảnh: Reuters

Theo bà Greenhill, kế hoạch sẽ cần “một nỗ lực siêu phàm”, nhưng hoàn toàn có thể làm được. Bà chỉ ra rằng, dịch HIV/AIDS vẫn chưa có vaccine, nhưng nhiều nước đã tài trợ cho việc phân phối hàng loạt thuốc kháng virus tại các phòng khám ở các nước có thu nhập thấp.

Liam Sollis, người đứng đầu chính sách của ủy ban quốc gia UNICEF của Anh, cho biết, việc phân phối vaccine một cách công bằng là ưu tiên hàng đầu. “Sau đó, ưu tiên thứ hai là việc mở rộng quy mô sản xuất để đảm bảo có đủ nguồn cung đáp ứng mục tiêu tiêm chủng trên toàn thế giới”, ông Sollis nói.

“Để làm được điều đó, đầu tiên là nguồn tài chính phải được đảm bảo. Chúng tôi đã có đủ nguồn tài chính để đáp ứng nhu cầu vaccine trong năm nay. Nhưng chúng tôi vẫn chưa có tiền để triển khai đến năm 2022 và quy mô của kế hoạch cần phải tăng lên”, ông Sollis nói thêm.

Hiện vẫn có rất ít cơ sở sản xuất vaccine trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp. AstraZeneca, mục tiêu trở thành vaccine giá rẻ chính trên toàn cầu, đã ký hợp đồng với hơn 20 nhà máy sản xuất vaccine trên thế giới, bao gồm Mexico, Indonesia và Trung Quốc, cũng như Viện Huyết thanh Ấn Độ.

Vì mục đích cứu sống các bệnh nhân Covid-19 ở hiện tại và trong tương lai, nhiều người tin rằng việc sản xuất vaccine cần phải tăng cường. Theo The Guardian, thế giới sẽ cần khoảng 15 tỷ liều vaccine Covid-19. Điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu công nghệ, kiến thức và kỹ năng sản xuất vaccine được các nhà sản xuất dược phẩm lớn chia sẻ với các doanh nghiệp ở châu Phi và châu Á./.