Bộ Quốc phòng Romania ngày 1/3 cho biết, chiếc Su-27 của Ukraine đã rời Romania để về nước theo đề nghị của Kiev và nó đã cất cánh trong tình trạng không được trang bị vũ khí.
Tiêm kích Su-27 được hộ tống tới biên giới với Ukraine bằng 2 tiêm kích MiG-21 của Romania. Sau khi trở lại Ukraine, chiếc Su-27 gặp 2 máy bay không xác định của không quân Ukraine, theo The Drive.
Trước đó, hôm 24/2, Bộ Quốc phòng Romania phát đi thông báo cho biết, 2 tiêm kích F-16 của họ đã áp giải tiêm kích Su-27 của Ukraine bay vào không phận Romania mà "chưa được phép". Động thái này diễn ra vào cùng ngày Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Sau khi hạ cánh, "phi công quân sự Ukraine đã tự mình trình diện với các nhà chức trách Romania", thông báo cho biết. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân đằng sau việc chiếc Su-27 "chạy" sang Ukraine.
Khi chiếc Su-27 tới Romania, nó được trang bị đầy đủ tên lửa không đối không, nhưng khi trở về Ukraine nó đã bị tháo hết khí tài. Theo The Drive, các quốc gia NATO dường như có quy tắc không đưa máy bay được trang bị vũ khí vào không phận Ukraine để tránh bị kéo vào xung đột hiện tại. Các tên lửa gắn trên Su-27 có thể được trả lại theo cách khác, ví dụ như thông qua máy bay vận tải, trong bối cảnh NATO vẫn đang cung cấp các khí tài cho Ukraine.
Văn phòng báo chí Hải quân Ukraine hôm 1/3 cho biết, Bulgaria, Ba Lan và Slovakia sẽ cung cấp 70 máy bay chiến đấu cho Ukraine. Các máy bay chiến đấu này có thể đồn trú tại các sân bay ở Ba Lan.
Tuy nhiên, giới quan sát sau đó chỉ ra rằng, con số 70 là lớn hơn toàn bộ số máy bay mà 3 nước trên đang có sẵn. Nếu điều này thực sự xảy ra thì sẽ có ít nhất 2 quốc gia không còn lại bất cứ tiêm kích nào sau khi chuyển cho Ukraine.
Sau đó, phía Ba Lan lên tiếng rằng, họ sẽ không chuyển tiêm kích tới không phận Ukraine. Trong khi đó, trang tin Novinite dẫn lời Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov, cho rằng ý tưởng Bulgaria đưa máy bay sang Ukraine là "vô lý" vì ngay cả quốc gia của ông cũng không có đủ máy bay hay linh kiện để hỗ trợ./.