Tương quan sức mạnh Checkmate và F-35
Checkmate là máy bay chiến thuật hạng nhẹ một động cơ thế hệ thứ 5 của Sukhoi, được Rostec giới thiệu trước công chúng tại triển lãm MAKS-2021 ngày 20/7 vừa qua. Dù mới ra mắt, nhưng tiêm kích của Nga được xem như một sự thay thế đối với F-35, tiêm kích thế hệ thứ 5 của Mỹ.
Theo cựu nhà thiết kế của Sukhoi, Vadim Lukashevich, khi so sánh các tiêm kích thế hệ thứ 5 của Nga và Mỹ, người ra thường cân nhắc tới sự khác biết lớn về thiết kế khí động học và khả năng của mỗi loại. Ví dụ, F-35 được chế tạo với đuôi cân bằng ngang, trong khi Checkmate lại có thiết kế “ruddervators” đuôi V. Điểm chung duy nhất giữa 2 tiêm kích này là cùng lớp trọng lượng.
Hơn nữa, các nhà sản xuất của Nga và Mỹ đặt trọng tâm vào những yếu tố khác nhau. Theo phi công thử nghiệm người Nga Anatoly Knyshev, trong khi Lockheed Martin và Lầu Năm Góc tập trung vào động lực tổng quan của hệ thống chiến đấu nhưng thiếu đi tính linh hoạt, Sukhoi lại tập trung vào tính linh hoạt của Checkmate. Phi công thử nghiệm này cho rằng, tính linh hoạt tạo lợi thế lớn cho máy bay chiến đấu của Nga trước F-35 của Mỹ.
Dù cả 2 tiêm kích đều được thiết kế có đặc tính tàng hình, nhưng radar công nghệ quét mảng pha điện tử (AESA) của Checkmate được cho là có tầm bao phủ rộng hơn so với F-35. Điều này có nghĩa là tiêm kích của Nga có thể “nhìn thấy” đối thủ trước, nhờ đó chiếm thế thượng phong trong chiến đấu.
Thông thường, ai phát hiện đối thủ trước thường sẽ khai hỏa trước. Theo nhà sản xuất, hệ thống radar của Checkmate có khả năng theo dõi tới 6 mục tiêu cùng lúc “ngay cả khi ở trong tình trạng bị can thiệp điện tử mạnh mẽ” và nó có thể hoạt động song song với hệ thống tác chiến điện tử của máy bay.
Theo phi công Knyshev, điều quan trọng không kém là những loại vũ khí mà phi công có trong tay để bắn hạ đối phương. Theo Tạp chí Military Watch, Checkmate có thể được trang bị tên lửa không đối không siêu thanh R-37M (NATO gọi là AA-13 Arrow) – hiện là tên lửa không đối không tầm xa nhất và có tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Kết hợp với hệ thống radar của máy bay, R-37M có thể khóa mục tiêu đang bay với tốc độ Mach 5-Mach 6 (6,125-7,350 km/h) ở khoảng cách lên tới 400km.
Trong khi đó, F-35 thường mang 4 tên lửa radar dẫn đường tầm trung AIM-120 AMRAAM; hoặc có thể mang 6 tên lửa AIM-120 nếu được trang bị thêm giá treo. Tên lửa AIM-120 có thể đạt tốc độ Mac 4 (4.900km/h) và có tầm bắn tối đa 180km. Điều này có nghĩa là dù có phát hiện đối phương sớm, khả năng bắn hạ mục tiêu của F-35 cũng vẫn bị hạn chế do tầm bắn của vũ khí mà tiêm kích này mang theo.
Checkmate có phạm vi chiến đấu trong khoảng bán kính 1.500km còn F-35 là 1.093km.
Xét về tốc độ tối đa, Checkmate có thể đạt tốc độ Mach 1,8 (2.205km/h) trong khi F-35 có thể đạt tốc độ tối đa Mach 1,6 (1.960km/h). Tuy nhiên, điểm mấu chốt là ở chỗ: như Defense News đưa tin tháng 6/2019, ở độ cao cực lớn, F-35C “chỉ có thể bay với tốc độ siêu thanh trong một khoảng thời gian ngắn do có nguy cơ tổn thất về cấu trúc và mất khả năng tàng hình”.
Giá của một chiếc máy bay tàng hình đa nhiệm của Nga thấp hơn rất nhiều, chưa bằng một nửa của F-35, trong khi chi phí vận hành tính theo giờ của Checkmate chỉ bằng 1/7 so với tiêm kích của Lockheed Martin.
Thực sự là đối thủ đáng gờm?
Dù vậy, tiêm kích tàng hình của Nga vẫn chưa thể bắt kịp F-35, theo đánh giá của nhà bình luận National Interest, Kris Osborn. Bên cạnh đó, cựu chuyên gia Lầu Năm Góc này cho rằng, tiêm kích mới của Nga “vẫn chưa thực chất”: trong khi F-35 đã có chuyến bay đầu tiên từ tháng 12/2006, Checkmate chưa vẫn chưa có chuyến bay đầu tiên.
Chuyên gia Osborn cho rằng, “khả năng gây ra bất cứ mối đe dọa nào” cho F-35 còn phụ thuộc vào khả năng “kết nối liền mạch với hệ thống các chiến cơ cùng loại và các máy bay thế hệ thứ 4 khác” của Checkmate. Bên cạnh đó, chuyên gia này nghi ngờ việc Nga có thể sản xuất số lượng lớn tiêm kích Checkmate để tạo “thế đối trọng với tầm liên minh toàn cầu của chương trình F-35”.
Tuy nhiên, nhà bình luận của National Interest lại không đề cập tới việc chương trình F-35 từ lâu đã bị sa lầy vào các cuộc tranh cãi. Ngày 22/4/2021, Văn phòng giải trình chính phủ (GAO) của Mỹ đã gọi F-35 là “hệ thống vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử”.
Theo ước tính của GAO, chi phí duy trì F-35 trong suốt vòng đời 66 năm đã tăng dần kể từ năm 2012, từ mức 1.110 tỷ USD lên 1.270 tỷ USD. Mặc dù được cấp ngân sách khổng lồ như vậy, nhưng khả năng thực hiện nhiệm vụ của F-35 này "vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong chiến đấu thực tiễn”.
Cũng trong tháng 4/2021, Defense News dẫn lời tướng Không quân Mỹ Clint Hinote nói rằng: “mọi chiếc F-35 xuất xưởng hiện nay đều là một chiếc chiến cơ mà chúng tôi không dám đặt vào các kịch bản chiến tranh hiện đại”.
Trong khi đó, giữa tháng 7 vừa qua, Tướng Không quân Eric Fick, người vận hành chương trình F-35 phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng, hàng chục chiếc F-35 đang phải dừng hoạt động để sửa chữa động cơ. Tính đến 7/8/2021, có 41 chiếc F-35 cần phải sửa chữa. Như vậy, gần 1/7 tổng số F-35 của Không quân Mỹ không thể bay.
Ngày 2/8, một tiểu ban thuộc Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ đã kêu gọi Lầu Năm Góc mở các cuộc điều tra về hệ thống dưỡng khí dành cho phi công trên F-35 và báo cáo về các trường hợp bị suy giảm oxy.
Dự án F-35 cũng liên tục vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Quốc hội Mỹ. Hồi tháng 3/2021, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Adam Smith từng tuyên bố ông “muốn ngăn chặn chặn việc ném tiền” cho dự án này. Tháng 6 vừa qua, ông Smith một lần nữa dọa “bỏ mặc” F-35 để đầu tư cho các nền tảng vũ khí khác.
Trong bối cảnh các vấn đề liên quan đến F-35 liên tục vấp phải tranh cãi, vẫn chưa rõ liệu Mỹ sẽ vẫn sử dụng loại máy bay chiến đấu tấn công liên hợp tinh vi này hay sẽ chuyển sang các nền tảng khác có triển vọng cạnh tranh với Checkmate của Nga trong những thập kỷ tới./.