Theo một nghiên cứu mới, những người đã tiêm vaccine COVID-19 vẫn có thể bị nhiễm bệnh nhưng nguy cơ nhập viện và mắc hội chứng COVID kéo dài giảm đáng kể so với những người không được tiêm vaccine.

Mặc dù hầu hết những người bị nhiễm COVID-19 đều khỏi bệnh sau vài tuần kể từ khi mắc bệnh, một số người vẫn tiếp tục gặp các triệu chứng trong vài tuần hoặc vài tháng. Ngay cả những bệnh nhân bị nhẹ hoặc không có triệu chứng ban đầu cũng đang trải qua các tình trạng kéo dài sau hồi phục COVID-19. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet cho thấy tiêm 2 liều vaccine COVID-19 sẽ làm giảm gần một nửa nguy cơ mắc COVID kéo dài nếu bạn bị nhiễm.

Theo Giáo sư Tim Spector từ Đại học King's College London, tiêm chủng làm giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 kéo dài theo hai cách: trước tiên bằng cách giảm nguy cơ mắc bất kỳ triệu chứng nào từ 8 - 10 lần và sau đó giảm một nửa nguy cơ nhiễm trùng dẫn đến mắc COVID-19 kéo dài. Thời gian của các triệu chứng cũng nhẹ hơn nhiều ở những người được tiêm chủng.

Những người được tiêm chủng đầy đủ có ít khả năng phải nhập viện vì COVID-19

Các nhà nghiên cứu tại Đại học King's College London đã sử dụng dữ liệu từ ứng dụng Nghiên cứu triệu chứng ZOE COVID của Vương quốc Anh từ ngày 8/12/2020 đến ngày 4/7/2021.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những người được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ phải nhập viện do COVID-19 giảm 73% và mắc các triệu chứng cấp tính giảm 31%. Mặc dù cả những người đã được tiêm phòng và chưa được tiêm đều gặp phải các triệu chứng chung giống nhau như mất khứu giác, ho, sốt, đau đầu và mệt mỏi, nhưng các triệu chứng này nhẹ hơn và ít xảy ra hơn ở những người đã được tiêm phòng. So với nhóm đối chứng, những người được chủng ngừa COVID-19 đầy đủ có nguy cơ mắc nhiều triệu chứng trong tuần đầu tiên bị bệnh thấp hơn một nửa. Nhưng hắt hơi là triệu chứng được báo cáo phổ biến hơn ở những người được tiêm chủng bị nhiễm COVID-19.

Tiêm chủng đầy đủ giúp giảm nguy cơ nhập viện và mắc COVID-19 kéo dài

Ai có nguy cơ nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng cao hơn?

Theo kết quả nghiên cứu, nguy cơ nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng cao hơn ở những người sống ở hầu hết các khu vực kém phát triển và những người có bệnh nền hoặc người già yếu. Do đó, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh cần phải nhắm vào các nhóm có nguy cơ cao để từ đó đề xuất các chiến lược như chương trình tiêm liều tăng cường kịp thời và các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.

Tờ Science Daily dẫn lời Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Claire Steves từ Đại học King's College London: “Tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine COVID-19 làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 và giảm phát triển các triệu chứng lâu dài nếu bạn mắc bệnh. Tuy nhiên, trong số những người già yếu và những người sống ở các khu vực kém phát triển, nguy cơ vẫn còn đáng kể và họ cần được ưu tiên gấp để tiêm vaccine liều thứ 2 và tiêm mũi tăng cường”.

Được biết, những phát hiện của nghiên cứu nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của vaccine trong nỗ lực ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19, nhưng vẫn nên kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác như đeo khẩu trang, kiểm tra sức khỏe thường xuyên và giữ khoảng cách xã hội./.