500 nghìn đồng
Cô Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Pa Ủ, xã Pa ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu), chia sẻ nỗi ngậm ngùi có thâm niên 14 năm đứng lớp nhưng tiền thưởng Tết không đáng là bao. Tết năm nay chưa được nhà trường thông báo kế hoạch nhưng như năm ngoái, giáo viên được xếp loại thi đua xuất sắc được thưởng một tháng lương tối thiểu là 1,49 triệu đồng; người được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ được khoảng 750 nghìn đồng. Những năm trước, Công đoàn trường có cuốn lịch tặng giáo viên, vài năm gần đây, lịch không có. Để giáo viên có khoản mua sắm dịp Tết, nhà trường tạo điều kiện cho nhận thêm một tháng lương của tháng sau.
Cô Khuyên nói, đi dạy cách xa quê nhà Phú Thọ 600 cây số nên chỉ dịp Tết và nghỉ hè mới về. Muốn mua sắm nhiều thứ biếu bố mẹ nhưng với đồng lương thấp, thưởng ít ỏi đành phải chi tiêu dè sẻn, ra tết còn có tiền mua vé xe ngược về trường dạy học. “Những ngành khác dịp Tết nói chuyện thưởng cao, giáo viên như mình cũng thấy buồn, nhưng buồn nhiều năm rồi cũng thành quen. Vì mức lương giáo viên thấp, không đủ trang trải đời sống, nhiều người nói cả chục năm nay cũng không giải quyết được nói gì đến thưởng”, cô Khuyên nói.
Ông Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), cho biết, trường công lập không có nguồn thu nào để thưởng Tết cho giáo viên. Nhưng cứ mỗi dịp Tết, nhà giáo cầm đồng lương còm cõi trong tay với bao nhiêu khoản phải chi tiêu, nên Ban giám hiệu phải co kéo, tiết kiệm chi tiêu cộng các khoản thưởng danh hiệu của trường để có thể thưởng mỗi người từ 3-4 triệu đồng. Ngoài ra, các dịp như Ngày nhà giáo Việt Nam, Tết dương lịch, trường cũng chi mỗi nhà giáo 300 nghìn đồng để động viên tinh thần.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, hiệu trưởng các trường cũng cho biết, khối trường công không có quỹ cho khen thưởng. Do đó, hiệu trưởng các trường phải biết khéo léo chi tiêu, trích một phần từ nguồn ngân sách để cuối năm giáo viên có thêm “bánh chưng, gói kẹo”.
Có giáo viên dạy bộ môn Thể dục ở một trường tiểu học cho biết, năm ngoái chỉ được nhận 500 nghìn đồng tiền thưởng và 1 can dầu ăn 5 lít với gói mì chính. “Cả năm đi dạy vất vả với rất nhiều việc, đồng lương đã không cao, đến Tết cầm đồng tiền thưởng, tủi thân rớt nước mắt. Thương con, thương cha mẹ ở quê vì mình muốn mua bộ quần áo đẹp, món quà nhưng với số tiền ít ỏi đó khó mà thực hiện được”, thầy giáo này nói.
Bà Nguyễn Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), nói rằng, có thâm niên hơn 30 năm trong nghề cộng chức danh quản lý nhưng Tết năm ngoái cũng chỉ được thưởng khoảng 8 triệu đồng. Năm nay, nhà trường cũng sẽ tính toán, cân đối để tặng thưởng cho giáo viên nhưng mỗi người cũng chỉ ở mức 5-8 triệu đồng tùy vào kết quả xếp loại thi đua. Riêng giáo viên hợp đồng chỉ được khoảng 800-900 nghìn đồng. “Dù biết đây là mức thưởng thấp so với các ngành, nghề khác nhưng để chi được một khoản như vậy trong cả năm, trường phải co kéo kiểu khéo ăn thì no. Nếu chi vung tay quá trán thì ngân sách thậm chí còn thâm hụt, đừng nói đến chuyện thưởng Tết”, bà Hiền nói.
Hàng chục triệu đồng
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Minh N., giáo viên một trường THPT tại quận 9, TPHCM, tiết lộ, mức thưởng nhiều năm trở lại đây của giáo viên như cô ở mức khoảng 30 triệu đồng. “Hai vợ chồng quê ở Nghệ An vào TPHCM lập nghiệp. Nếu không có khoản tiền thưởng Tết như vậy, cả nhà không dám về quê vì lương hàng tháng chi cho các khoản thuê nhà, nuôi con, nộp học đã cạn kiệt”, cô N. nói.
Theo cô N., năm nay, vì học sinh học trực tuyến, trường không có nhiều nguồn thu khác nên tiền thưởng sẽ giảm một chút, tuy nhiên cô N. lạc quan sẽ có hơn 20 triệu đồng tiền thưởng. Trong đó bao gồm tiền hỗ trợ theo quý của UBND TP; tiền thu nhập tăng thêm do trường tiết kiệm từ ngân sách hằng năm…
Năm nay cô Thu Hằng, Trường Tiểu học Phú Cường, quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ niềm vui khi có một cái Tết ấm áp, đủ đầy hơn mọi năm bởi cô đã được tuyển dụng vào biên chế sau 19 năm dạy hợp đồng. Cô tiết lộ, mức thưởng của giáo viên như cô năm nay sẽ khoảng 4-5 triệu đồng. Cộng với tháng lương, cô cũng có một khoản nho nhỏ để chi tiêu. So với các ngành khác, đây là số tiền ít ỏi nhưng với cô Hằng, người kiên trì 19 năm dạy hợp đồng mới thấm thía bởi khi đó, dịp Tết, cô chỉ được nhà trường chỉ động viên một khoản vài trăm nghìn đồng. “Giáo viên rất thiệt thòi vì đồng lương, thưởng đều rất thấp, chưa tương xứng với công sức lao động. Ngoài giờ lên lớp, giáo viên phải soạn bài, vào điểm, chấm bài cho học sinh ngốn nhiều thời gian, công sức. Mình chỉ mong hệ số lương được cải thiện để đi dạy không phải lo nghĩ đến chuyện cơm áo, gạo tiền”, cô Hằng nói.
Bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội, lý giải, hằng năm, dịp Tết ngành có chương trình tặng quà, hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Giáo viên hiện chưa có nguồn nào để thưởng Tết. Do đó, nguồn thưởng phụ thuộc vào tiết kiệm chi hằng năm của các nhà trường. Cách đây ít năm, ngành có đề xuất chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non nhưng không được thành phố phê duyệt.
Mong được ở bên gia đình
Các thầy cô giáo vùng cao Quảng Nam chia sẻ, lâu nay đã quen với việc không có thưởng Tết, chỉ mong có thêm có thời gian bên cạnh gia đình vì đa số đi làm xa nhà. Thầy Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), cho biết, trường có 40 cán bộ nhân viên, phần lớn là người ở địa phương khác. “Chuyện thưởng Tết nhiều năm nay đã như vậy rồi, thầy cô không mong mỏi gì hơn là có thêm chút thời gian quý báu ở bên gia đình. Suốt một năm ròng rã chống dịch ít có điều kiện để thăm nom gia đình nên ai cũng trân quý những ngày nghỉ Tết này để về với người thân”, thầy Luận chia sẻ. Trường trích tiền tiết kiệm để mua tặng mỗi thầy cô một phần quà trị giá 500 ngàn đồng và mỗi học sinh phần quà 100 ngàn đồng.
Thầy Bùi Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Leng (huyện Nam Trà My) nói: “Mọi năm trường có nuôi được heo, Tết đến thì mổ heo cho học sinh ăn Tết, còn thầy cô mỗi người được thêm ký thịt đem về. Ai cũng hiểu chuyện đó rồi nên vui vẻ cả, chứ không đòi hỏi hay phân bua gì”. HOÀI VĂN