tienmanhquan-1637893324471-1637910843.jpeg

Thưởng tiền mặt hay hiện vật

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Quang Tuấn (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) cho rằng, dịch Covid-19 gây nên những khó khăn chung cho doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, nguồn lực của người lao động không nhiều, ai cũng trông chờ vào công việc cả năm qua.

"Do đó, cuối năm, dù ít dù nhiều, doanh nghiệp cũng nên có hình thức thưởng tới người lao động. Đây là sự động viên để người lao động yên tâm gắn bó với công việc sau Tết", ông Nguyễn Quang Tuấn nói.

Được hỏi ý kiến về hình thức thưởng tiền hay hiện vật, người công nhân này cho rằng hình thức thưởng nào cũng là thể hiện tấm lòng của người sử dụng lao động, và tùy thuộc vào điều kiện của doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, nếu lựa chọn, tôi vẫn cho rằng, hình thức thưởng tiền mặt hay hơn, vì qua đó người lao động sẽ chủ động mua sắm những thứ cần trong dịp Tết. Xưa nay, các cụ vẫn có câu "trăm đồng tiền công không bằng đồng tiền thưởng", ông Nguyễn Quang Tuấn bộc bạch.

Ở góc độ doanh nghiệp, câu chuyện thưởng Tết là bài toán có nhiều lời giải. Ông Lê Tuấn Anh, đại diện tuyển dụng của Công ty trà Cozy (Hà Nội) cho biết, Covid-19 khiến doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu và gặp nhiều khó khăn chồng chất trong thời gian dài.

"Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên quy chế thưởng như các năm trước. Người lao động vẫn có thưởng Tết là tháng lương thứ 13 như bình thường", ông Lê Anh Tuấn nói. 

Cũng chia sẻ vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Chánh văn phòng Liên hiệp hợp tác xã Ocop Việt Nam, cho rằng: "Muốn người lao động gắn kết lâu dài, doanh nghiệp cần tính tới việc khen thưởng, dù ít hay nhiều. Có thể chỉ 500.000-1 triệu đồng, nếu khá hơn thì là tiền lương tháng thứ 13…".

Tuy nhiên, bà Nguyễn Ngọc Thúy cũng mong người lao động có những nhìn nhận tích cực và chia sẻ về vấn đề thưởng Tết với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn trăm bề vì tác động của đại dịch Covid-19. 

Thưởng Tết là cách "níu kéo" lao động  

Bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xác định, năm 2021 thực sự là thời điểm có nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, tình hình hoạt động của doanh nghiệp ít nhiều cũng có sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn.

Giữ quan điểm nên duy trì việc thưởng tết, bà Trần Thị Thanh Hà cho rằng, trong diễn biến do Covid-19, người lao động đã khắc phục nhiều khó khăn để cùng người sử dụng lao động tham gia sản xuất kinh doanh.

bhxh-4manhquan-1637686435777-1637910879.jpeg
Sau giãn cách, bài toàn khôi phục sản xuất và kêu gọi người lao động trở lại làm việc được ưu tiên.

"Doanh nghiệp nên coi người lao động là một tài sản quý để giữ gìn cho sự phát triển sau Covid-19. Nếu không chú trọng giữ lao động, sau Tết, doanh nghiệp sẽ khó khăn trong tìm kiếm nguồn nhân lực…", vị trưởng Ban Quan hệ lao động phân tích.

Cũng trao đổi vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định, tình hình thưởng Tết năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng nhiều do tác động tiêu cực của Covid-19. Với doanh nghiệp còn hoạt động, căn cứ trong khả năng thực tế, vẫn sẽ có các khoản hỗ trợ hoặc thưởng để động viên và giữ người lao động.

Phân tích sâu hơn, ông Phạm Minh Huân cho rằng, lĩnh vực tài chính ngân hàng, dược phẩm, thương mại điện tử vẫn có mức thưởng khả quan. Tuy nhiên, các lĩnh vực chịu tác động nặng nề như du lịch, vận tải hay dịch vụ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Việc thưởng Tết không quy định trong luật Lao động

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH), Bộ luật Lao động không quy định vấn đề thưởng Tết. Việc có thưởng hay không trong bối cảnh khó khăn do Covid-19 là những lời giải khác nhau ở từng doanh nghiệp. Người lao động cũng rất cần sự chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp và mục tiêu đảm bảo việc làm lâu dài là ưu tiên trước hết./.