Lượng nông sản cần “giải cứu” ở tỉnh Vĩnh Long khoảng 2.000 tấn/ngày, trong khi thương lái ngoài tỉnh ngại vào vì sẽ bị cách ly 14 ngày.

Khác với cảnh nhộn nhịp khi chưa có dịch, gần 2 tháng nay “thủ phủ” khoai lang tím Nhật, rau củ quả ở huyện Bình Tân và thị xã Bình Minh chỉ lác đác vài xe container lên hàng.

Ông Sơn Văn Luận - Giám đốc HTX Khoai lang Thanh Ngọc (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) buồn rầu cho biết, giá khoai hiện đang ở mức 3.000 đồng/kg.

“Khoai trên đồng còn khá nhiều, song HTX chỉ mua cầm chừng cho dân. Không thấy bóng dáng thương lái vì không có thị trường tiêu thụ, đi lại khó khăn”, ông Luận than thở.

Thương lái vào Vĩnh Long bị cách ly, hàng nghìn tấn nông sản tồn mỗi ngày
Khoai trên đồng còn khá nhiều, nhưng không thấy bóng dáng thương lái vì không có thị trường tiêu thụ, đi lại khó khăn.

Cũng theo ông, dù tại ruộng khoai còn rất nhiều, giá bán cực rẻ nhưng ở các thành phố lớn giá rất cao, từ 12.000 - 15.000 đồng/kg.

“Tôi biết Bộ NN&PTNT có thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản, các đầu mối cung ứng nông sản, trong đó có HTX của tôi. Nhưng hiện nay vẫn chưa được tiếp cận”, ông Luận nói thêm.

Theo ghi nhận, hiện loại nông sản cần tiêu thụ lớn nhất là cam sành. Do vận chuyển khó khăn nên hầu hết các nhà vườn đều đang bỏ trái chín, rụng. Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc HTX Cam sành Hiếu Trung (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, việc tiêu thụ cam sành đang hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hiện giá cam tại vườn là 10.000 đồng/kg, trong khi thị trường bán ra là 35.000 - 40.000 đồng/kg, tuy nhiên vẫn không có thương lái đến thu mua.

Theo Sở Công thương Vĩnh Long, sản lượng nông sản, các loại rau quả trên điạ bàn cần tiêu thụ từ nay đến cuối năm là khá lớn. Trong khi đó, việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Vì vậy cần có giải pháp hiệu quả để không đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

“Các giải pháp kết nối tiêu thụ hiện nay mới chỉ là tình thế, để ổn định cần có nhiều biện pháp lâu dài và hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ người nông dân sản xuất, tiêu thụ hàng hóa”, đại diện Sở Công thương Vĩnh Long cho biết.

Số cần “giải cứu” chủ yếu vào mặt hàng cam sành hơn 1.800 tấn. Thủy hải sản, thóc lúa cũng là mặt hàng đang cần được hỗ trợ tiêu thụ tại tỉnh này vào khoảng hơn 2.000 tấn/ngày. Riêng thóc và lúa gạo cần đưa đi tiêu thụ gần 500 tấn/ngày. Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long cũng còn tồn sản lượng lớn gia cầm và thủy sản.

Sở NN&PTNT Vĩnh Long cũng cho biết thêm, do ảnh hưởng dịch bệnh nên thương lái chỉ mua nông sản với số lượng rất ít. Thương lái lớn mua để xuất khẩu, hay phân phối đi các tỉnh, thành phố trong nước thì không đến địa phương được do yêu cầu test nhanh còn thời hạn 72h.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cách ly 14 ngày khi người từ tỉnh thành khác đến Vĩnh Long nên không thương lái ngoài tỉnh nào dám vào. Vì vậy, không thể vận chuyển hàng hóa qua lại được các chốt kiểm soát liên tỉnh.

Hiện tại, các ngành chứng năng Vĩnh Long chỉ cấp giấy đi đường cho người dân, lao động di chuyển trong địa bàn nội tỉnh. Tỉnh này cũng quy định cách ly 14 ngày đối với tất cả người vào tỉnh và tất cả người dân cũng không được tự ý ra khỏi tỉnh.

Khi muốn ra khỏi tỉnh phải có nhu cầu thật sự cần thiết, có lý do chính đáng và phải được Chủ tịch UBND cấp huyện tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.