Đột phá lớn hay tay trắng ra về?
Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Geneva, Thụy Sĩ sẽ là một trong những phép thử lớn nhất của Tổng thống Biden và đánh dấu cuộc gặp trực tiếp quan trọng đầu tiên của ông với một đối thủ lớn của Mỹ trên trường quốc tế.
Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đã lao dốc trong những năm qua và Washington đang tìm cách phản ứng hiệu quả hơn trước những động thái của Moscow mà nước này cho là hung hăng. Các nhà quan sát cảnh báo, Tổng thống Putin không có ý định sử dụng cuộc gặp này để cải thiện mối quan hệ, đồng thời đặt câu hỏi về những kết quả Tổng thống Biden sẽ đạt được qua hội nghị.
"Các nhà phân tích đang xem xét liệu Tổng thống Biden sẽ đạt được những kết quả cụ thể nào khi biến cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin trở thành tâm điểm chú ý của dư luận", Heather Conley - một cựu quan chức cấp cao về các vấn đề châu Âu tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush nhận định.
"Mặc dù cả hai bên đều hạ thấp kỳ vọng vào cuộc gặp lần này, nhưng nếu không có bất kỳ kết quả rõ ràng nào, thì tôi cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao này sẽ chỉ đem lại lợi ích cho điện Kremlin", ông Conley, hiện là giám đốc Chương trình nghiên cứu về Nga và Á - Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đánh giá.
Sau hàng loạt sự kiện căng thẳng với Nga, từ việc điện Kremlin sáp nhập Crimea cho tới những leo thang ở miền Đông Ukraine hay những cáo buộc can thiệp bầu cử và tấn công mạng, Tổng thống Biden sẽ phải "đi trên dây" để cân bằng giữa việc chỉ trích Nga với việc không khiến Moscow hiểu lầm rằng Washington tìm kiếm xung đột. Dù Tổng thống Biden cầm quyền chưa đầy 1 năm, Mỹ và Nga đã rơi vào vòng xoáy của những động thái đáp trả ngoại giao liên tục.
Những hành động của chính quyền Tổng thống Biden nhằm trừng phạt Nga dường như vẫn chưa tạo ra bất kỳ sự thay đổi đáng kể.
"Mặc dù các lệnh trừng phạt không thay đổi được những tính toán của điện Kremlin nhưng chúng sẽ tạo ra thách thức với nền kinh tế Nga", chuyên gia Conley cho hay.
Mỹ và các đồng minh không “nhìn chung hướng”
Trên nhiều khía cạnh, sự dịch chuyển khỏi lập trường của cựu Tổng thống Trump về Nga giúp Tổng thống Biden dễ dàng nhận được sự đồng thuận từ lưỡng đảng hơn.
"Tổng thống Biden có thể tiến tới một Hội nghị Thượng đỉnh thành công bằng cách tránh những sai lầm của cựu Tổng thống Trump", Stephen Sestanovich, một chuyên gia về Nga và là giáo sư về ngoại giao quốc tế tại Đại học Colombia nhận định trong một bài bình luận gần đây cho Hội đồng Đối ngoại.
"Cựu Tổng thống Trump chưa bao giờ hiểu rằng việc không gây sức ép với Tổng thống Putin về vấn đề can thiệp bầu cử cũng như các vấn đề khác khiến ông ấy vấp phải sự phản đối từ Quốc hội là điều không thể tránh khỏi. Trái lại, Tổng thống Biden vẫn đưa ra những chí trích với Nga mặc dù ông ấy nỗ lực đưa mối quan hệ này trở lại đúng hướng", chuyên gia này đánh giá.
Sau 4 năm cựu Tổng thống Trump làm suy yếu các quan hệ đồng minh và uy tín của nước Mỹ, Tổng thống Biden đang cố gắng sử dụng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông để thể hiện rằng Mỹ vẫn là một đối tác và một nhà lãnh đạo toàn cầu đáng tin cậy. Tổng thống Biden cũng muốn cho những đối thủ của Mỹ như Nga và Trung Quốc thấy liên minh đoàn kết của Mỹ cũng như ông sẽ cứng rắn và nhất quán hơn nhiều so với người tiền nhiệm.
Trong bài phát biểu trước các quân nhân Mỹ tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Mildenhall ở England ngày 9/6, Tổng thống Biden cảnh báo Tổng thống Putin có thể đối mặt với hậu quả nếu Nga đe dọa Mỹ và các đồng minh của Washington.
"Quan điểm của tôi rất rõ ràng: Mỹ sẽ phản ứng thực chất và mạnh mẽ nếu chính phủ Nga tiến hành các hành vi gây tổn hại", ông Biden khẳng định.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden có thể đối mặt với những trở ngại lớn khi ông gặp các nhà lãnh đạo G7 và NATO bởi họ không "nhìn chung hướng" với Mỹ trước những thách thức từ Nga và Trung Quốc.
Chẳng hạn, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chối khuất phục trước sức ép của Mỹ liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc từ Nga sang Đức. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngay trong buổi lễ nhậm chức tại Quốc hội đã khẳng định chính quyền Mỹ mới sẽ "làm mọi thứ có thể để ngăn cản" đường ống này hoàn thành. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden hồi cuối tháng 5 đã dỡ lệnh trừng phạt với công ty thi công dự án và CEO của công ty này - một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin.
Tổng thống Biden cũng đối mặt với sự chỉ trích của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong hướng tiếp cận với Nga. Hồi tháng 3/2021, Tổng thống Erdogan đã chỉ trích Tổng thống Biden khi tán thành nhận định gọi ông Putin là "kẻ sát nhân", đồng thời cho biết những bình luận như vậy "nhằm chống lại Tổng thống của một nước như Nga là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được". Ông Biden và ông Erdogan dự kiến sẽ gặp nhau tại Brussels bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO ngày 14/6.
Khe cửa hẹp cho sự hợp tác song phương
Mặc dù Tổng thống Biden đối mặt với nhiều thách thức trong Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới với Tổng thống Putin nhưng cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul trong một bài bình luận trên Washington Post gần đây đánh giá, vẫn có sẵn những khe cửa hẹp cho sự hợp tác song phương Mỹ - Nga.
Cựu Đại sứ Mỹ cho biết, hai nhà lãnh đạo có thể chuẩn bị cho một thỏa thuận kiểm soát vũ trang mới sau khi gia hạn Hiệp ước kiểm soát hạt nhân New START gần đây; đảo ngược xu hướng trục xuất đại diện ngoại giao và đóng cửa lãnh sự quán, nhất trí hợp tác về những vấn đề như Chương trình hạt nhân Iran, hỗ trợ người dân Syria, biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.
Ông Conley cho rằng nếu Tổng thống Biden có thể đạt được sự nhất trí rộng rãi với Tổng thống Putin về khung đàm phán cho các cuộc trao đổi kiểm soát vũ trang giữa 2 nước sắp tới và vấn đề mở hành lang nhân đạo ở Idlib (Syria), cuộc gặp trên sẽ đạt được kết quả tích cực.
"Tổng thống Biden sẽ cố gắng phân chia mối quan hệ với Nga thành các mảng khác nhau khi hai bên có thể tìm kiếm sự hợp tác trong những vấn đề như kiểm soát vũ trang, biến đổi khí hậu và Bắc Cực nhưng cũng cạnh tranh gay gắt ở những khía cạnh bất đồng. Đây là bản chất chính sách của Mỹ với Nga trong 20 năm qua. Khác biệt duy nhất trong khủng hoảng quan hệ hai nước trước đây và hiện nay là cuộc khủng hoảng này ngày càng sâu sắc, trong khi các cấu trúc và quy tắc nhằm giải quyết khác biệt hai bên ngày càng giảm bớt”, ông Conley bình luận.
Về việc này, chuyên gia Conley cảnh báo: "Chúng ta có lẽ muốn mối quan hệ ổn định và dễ đoán nhưng hướng chính sách của Nga với phương Tây được cho là sẽ khó có thể dự đoán và không ổn định. Điều này sẽ không thay đổi"./.