Việc đưa thuốc Remdesivir vào điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ giúp các bác sĩ có sự lựa chọn liệu pháp điều trị thuốc kháng virus hiệu quả. Tuy nhiên, cho đến nay các nghiên cứu chưa thấy rõ cải thiện tỷ lệ tử vong khi dùng thuốc này.

Ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký văn bản gửi các đơn vị được phân bổ, sử dụng thuốc Remdesivir kèm hướng dẫn triển khai sử dụng trong điều trị COVID-19.

Đây vốn là thuốc kháng virus được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ 22/10/2020.

Thuốc Remdesivir có hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19?
Thuốc Remdesivir có hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19?

Theo đó, hướng dẫn tạm thời sử dụng Remdesivir 100 mg (5 mg/ml) của Bộ Y tế chỉ định thuốc cho người mắc Covid-19 điều trị nội trú tại bệnh viện có suy hô hấp, thở oxy, thở HFNC hoặc thở máy không xâm nhập. Thời điểm dùng thuốc là trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh. Remdesivir được ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao gồm người trên 65 tuổi, có bệnh nền, béo phì (BMI >25).

Các cơ sở y tế phải thông báo với bệnh nhân hoặc người nhà thông tin về việc thuốc được cấp phép nhập khẩu; chỉ sử dụng thuốc sau khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà.

Ngoài ra, các cơ sở, bệnh viện cần thận trọng sử dụng với phụ nữ có thai và cho con bú, chưa có dữ liệu đầy đủ nên không khuyến cáo trừ trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ.

Vừa qua, trong khuôn khổ chương trình Telehealth do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh Remdesivir là thuốc ức chế virus, giúp giảm sự phân chia của virus SARS-CoV-2 trong tế bào người bệnh. Điều quan trọng để quyết định có sử dụng Remdesivir cho F0 hay không, các bác sĩ cần hỏi ngày khởi phát triệu chứng của người bệnh.

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện tại ở Việt Nam tình hình dịch COVID-19 rất phức tạp, số lượng ca nhiễm tăng cao, đồng thời với đó là số ca nặng, tử vong ngày một gia tăng. Ngoài chiến lược sử dụng vaccine thì chiến lược điều trị bằng các thuốc kháng virus cũng là một trong những cách để khống chế đại dịch.

BS Phúc cho biết, hiện tại thế giới đã sử dụng nhiều các thuốc kháng virus để điều trị nhiễm SARS-CoV-2 và trong đó Remdesivir là một loại thuốc được nhiều nước trên thế giới sử dụng như ở Mỹ, châu Âu. Hiện đã có nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả điều trị của loại thuốc này, đa số cho thấy thuốc Remdesivir hiệu quả ở những bệnh nhân COVID-19 nặng, làm giảm tiến triển của bệnh, giảm số ngày cần để hồi phục ở bệnh nhân nặng.

Thuốc Remdesivir có hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19?
ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Theo BS Phúc, việc Bộ Y tế quyết định đưa thuốc Remdesivir vào điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ giúp các bác sĩ có sự lựa chọn liệu pháp điều trị thuốc kháng virus hiệu quả cho những bệnh nhân COVID-19 nặng. Tuy nhiên cho đến nay các nghiên cứu chưa thấy rõ cải thiện tỷ lệ tử vong khi dùng thuốc này. BS cũng cho rằng, ở nhóm bệnh nhân nguy kịch việc sử dụng loại thuốc này cũng phải rất cân nhắc.

BS Phúc cho biết, Remdesivir là một thuốc kháng virus dạng tiêm truyền. Thuốc Remdesivir hoạt động bằng cách ức chế enzym RNA-dependent RNA polymerase (RdRp), là enzym cực kỳ quan trọng giúp virus SARS-CoV-2 tiếp tục nhân đôi mã gen. Khi enzym này bị khóa lại sẽ khiến virus không thể tiếp tục nhân lên, vì vậy về mặt lý thuyết thuốc sẽ tác dụng vào giai đoạn đầu của bệnh. Tuy vậy, qua các kết quả nghiên cứu thì Remdesivir nên chỉ định ở những bệnh nhân nặng cần phải thở oxy trở lên và không sử dụng thường quy ở nhóm bệnh nhân nguy kịch.

Theo hướng dẫn triển khai sử dụng trong điều trị COVID-19, thuốc Remdesivir hiện tại đã được cấp phép điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng từ 12 tuổi trở lên, cân nặng lớn hơn 40kg. Chống chỉ định sử dụng Remdesivir cho những bệnh nhân có chức năng thận kém (mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút) và những bệnh nhân có men gan alanine aminotransferase (ALT) cao gấp 5 lần giới hạn trên bình thường. Những bệnh nhân suy đa cơ quan và những bệnh nhân có phản ứng quá mẫn cảm với thuốc, phụ nữ có thai và cho con bú cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi điều trị với Remdesivir

Khi sử dụng thuốc bệnh nhân có thể có các phản ứng do quá mẫn bao gồm như: tụt huyết áp, buồn nôn, nôn, chảy mồ hôi, rùng mình, vì vậy trong quá trình dùng, cần lựa chọn truyền chậm trong 120 phút để hạn chế tác dụng không mong muốn. “Cần lưu ý ngừng dùng Remdesivir khi ALT tăng >10 lần so với trước sử dụng, hoặc tăng ALT đi kèm các biểu hiện của tổn thương chức năng gan trên lâm sàng, cận lâm sàng. Đây là thuốc kháng virus dạng tiêm truyền, cần chỉ định của bác sĩ dựa trên tình trạng bệnh nhân vì thế người dân không nên tự ý mua thuốc dùng tại nhà”- BS Phúc khuyến cáo./.