Trong số các loại thuốc từng được sử dụng và thử nghiệm, Molnupiravir đang được nhiều nước quan tâm. Dù số liệu đầy đủ về các cuộc thử nghiệm Molnupiravir vẫn chưa được công bố và còn chưa có đánh giá chéo trong giới chuyên môn đối với loại thuốc này và dù còn chưa có kết luận liệu Molnupiravir có được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn hay không, đã có ít nhất 10 nước, trong đó có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương như New Zealand, Australia và Hàn Quốc, đặt hàng mua Molnupiravir.

Lý giải tại sao trong số 10 nước đang đàm phán mua Molnupiravir, có tới 8 nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các chuyên gia cho rằng những nước này không muốn lịch sử lặp lại khi năm 2020, họ đã chậm trễ trong việc tìm kiếm vắc xin. Họ không muốn lại rơi vào cái bẫy trước đây khi các nước giàu gom vắc xin, gây khan hiếm nguồn cung.

16348083289981-1634855404.jpeg
Molnupiravir hiện cho hiệu quả điều trị khả quan và rất có thể sẽ được phê chuẩn cho phép sử dụng khẩn cấp. Ảnh: Getty.  

Theo các chuyên gia, Molnupiravir hiện cho hiệu quả điều trị khả quan và rất có thể sẽ được phê chuẩn cho phép sử dụng khẩn cấp. Molnupiravir hoạt động theo nguyên tắc can thiệp vào chuỗi phân bào của virus bằng cách khiến chúng tạo ra những bản sao yếu hơn, từ đó có thể bị hệ thống miễn dịch của cơ thể tiêu diệt. Trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 vừa qua, Molnupiravir đã cho thấy có khả năng làm giảm hơn 50% số bệnh nhân phải nhập viện và không có ai trong số người dùng thuốc tử vong. Không phải nhập viện, chỉ cần uống thuốc ở nhà, giải phóng nguồn lực y tế cho những bệnh nhân nặng hơn là những ưu điểm mà Molnupiravir có thể đem lại.

Đây là điều đáng mừng, nhưng các chuyên gia cũng lo ngại rằng người dân sẽ chủ quan, lạm dụng thuốc Molnupiravir mà không tiêm vắc xin phòng dịch. Họ khẳng định vắc xin vẫn là biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất, bởi nó giúp dịch không lây lan và khi đó không ai còn phải dùng đến thuốc. Tuy nhiên, trong điều kiện tỷ lệ tiêm vắc xin còn rất thấp ở nhiều nước, đặc biệt là các nước nghèo, Molnupiravir sẽ là giải pháp thay thế và chỉ giải quyết được vấn đề chống dịch chứ không phải là phòng dịch. Điều này cũng chỉ có ý nghĩa đáng kể với nhóm dân số không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm vắc xin. Các chuyên gia nhấn mạnh, để chấm dứt dịch bệnh, thuốc không phải là giải pháp mà chìa khóa nằm trong tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh.

Theo Giáo sư Matthias Götte, Đại học Alberta (Canada), chỉ nên coi Molnupiravir là một “lựa chọn” nữa trong phòng, chống dịch Covid-19 thay vì coi nó là giải pháp cuối cùng và vắc xin vẫn phải là lựa chọn số 1. Thêm vào đó, Molnupiravir vẫn có thể sử dụng được cho những người đã tiêm vắc xin nhưng vẫn nhiễm Covid-19 nên đây sẽ là một lựa chọn bổ sung để gia tăng khả năng chống dịch và đặc biệt áp dụng đối với những ai chưa có khả năng hoặc không đủ điều kiện để tiêm vắc xin. Về lâu dài, để chấm dứt hoàn toàn chuỗi lây nhiễm, các quốc gia vẫn phải tập trung vào chiến lược vắc xin.

16348085072571-1634855440.jpg
Về lâu dài, để chấm dứt hoàn toàn chuỗi lây nhiễm, các quốc gia vẫn phải tập trung vào chiến lược vắc xin. Ảnh: Reuters. 

Ở Việt Nam, thuốc Molnupiravir đã được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sử dụng có kiểm soát để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ từ tháng 8 vừa qua với hướng dẫn toa thuốc điều trị tại nhà dành cho người lớn là 800mg Molnupiravir/ngày chia thành 2 lần, sử dụng trong 5 ngày liên tục. Thuốc được dùng qua đường uống kết hợp một số loại vitamin và thuốc chống đông máu. Nhóm người mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ khi sử dụng thử nghiệm thuốc Molnupiravir cho kết quả âm tính sau 5 ngày. Theo PGS, TS, BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh), việc sử dụng Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân F0 tại nhà và các khu cách ly tập trung.

Đối với việc phê chuẩn khẩn cấp sử dụng Molnupiravir, FDA thông báo cơ quan này đang phân tích dữ liệu và sẽ đưa ra kết luận vào ngày 30-11 tới. Trong thời gian này, tất cả những phản hồi về mức độ hiệu quả và những tác động, ảnh hưởng phụ tới sức khỏe người dùng của Molnupiravir sẽ được ghi nhận và phân tích kỹ lưỡng. FDA cũng quyết định không bỏ qua bước tham vấn Ủy ban tư vấn như thường vẫn làm trong trường hợp cần nhanh chóng đưa một loại thuốc nào đó ra thị trường như đã từng làm khi đối phó với Covid-19. Đó là bởi một số chuyên gia đã nêu vấn đề cần phải chứng minh thuốc đảm bảo an toàn cho người sử dụng trước khi được FDA trực tiếp thông qua.

Molnupiravir là thuốc điều trị Covid-19 do Công ty dược Merck của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức phối hợp phát triển. Hiện Merck đã đệ đơn xin FDA cho phép sử dụng khẩn cấp Molnupiravir trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là loại thuốc điều trị Covid-19 dạng uống đầu tiên được đưa vào sử dụng./ .