Tetracyclin là một loại kháng sinh phổ rộng, hoạt động chống lại một loạt các vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Tetracyclin được sử dụng trong điều trị bệnh lậu và giang mai kháng penicilin và một số bệnh nhiễm khuẩn như: Bệnh mắt hột, nhiễm khuẩn do Rickettsia, hội chứng ứ quai, bệnh virus vẹt, bệnh brucella (kết hợp với streptomycin), dịch tả, dịch hạch, bệnh ruột cấp tính do amip (như là một thuốc hỗ trợ điều trị amip), nhiễm khuẩn da cá trứng bọc, trứng cá đỏ…
Theo đó, căn cứ Công văn số 85/TTKN-KH ngày 10/06/2022 đính kèm Phiếu kiểm nghiệm số 440/2022 ngày 10/6/2022 và Biên bản lấy mẫu xác định chất lượng của Trung tâm kiểm nghiệm Thanh Hóa về sản phẩm trên nhãn ghi: Viên nén Tetracyclin 250mg, SĐK: VD-30127-18, lô SX: 092019, NSX: 180919, HD: 180923; Công ty TNHH MTV 120 Armepharco. Mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu định tính, định lượng (không có hoạt chất).
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thông tin về thuốc giả trên nhãn ghi: Viên nén Tetracyclin 250mg, SĐK: VD-30127-18, lô SX: 092019, NSX: 180919, HD: 180923; Công ty TNHH MTV 120 Armepharco có các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt với thuốc thật như sau:
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm Viên nén Tetracyclin 250mg giả có các dấu hiệu nhận biết nêu trên.
Liên quan đến thuốc kháng sinh bị làm giả, trước đây, thuốc kháng sinh Zinnat 500mg film tablet cũng bị làm giả. Khi kiểm nghiệm mẫu thuốc không có phản ứng định tính của cefuroxim axetil (hoạt chất của thuốc). Đây là dòng thuốc kháng sinh mạnh, đắt tiền được sử dụng khá phổ biến cho cả người lớn và trẻ em ở nước ta trị các bệnh nhiễm khuẩn như: nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, nhiễm khuẩn da, mô mềm, tiết niệu và dự phòng nhiễm khuẩn khi phẫu thuật…
Không chỉ có Tetracyclin 250mg, Zinnat, một số kháng sinh thông thường khác cũng đã từng được các cơ quan chức năng phát hiện làm giả. Các thuốc giả thường không có hoạt chất, nhái mẫu mã, bao bì của các nhãn hàng có thương hiệu, không đủ nồng độ, hàm lượng…/.