Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam” có sự tham dự của lãnh đạo Bộ GD&ĐT; đại diện Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng; đại diện gần 40 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam là những cơ sở đào tạo có quy mô lớn các ngành phù hợp, ngành gần với chuyên ngành thiết kế chip bán dẫn; đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn: Tập đoàn Intel, Synopsys Việt Nam, Cadence, Qorvo Việt Nam, Tổng công ty công nghệ cao Viettel, VNPT Technology Việt Nam,… và một số chuyên gia trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Hội thảo nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và quyết tâm cùng hợp lực hành động giữa các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu với sự quan tâm, đầu tư, kiến tạo cơ chế chính sách của Nhà nước, sự đồng hành tích cực của các địa phương, doanh nghiệp sẽ thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn của đất nước.

Phát biểu khai mạc PGS,TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là điểm nghẽn lớn hiện nay trong việc thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

q-1697855788.jpg
 

Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển, tạo đột phá ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, từ khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ được thiết lập vào tháng 9/2023 vừa qua, những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… đã được mở ra nhưng thực tế triển khai lại đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng.

Theo PGS,TS. Hoàng Minh Sơn, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống GD&ĐT và thị trường lao động. Trong khi đó, công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Thế nhưng, cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có. Do vậy, thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

Để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này, các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu, nòng cốt. Theo số liệu thống kế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.

Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của các cơ sở giáo dục đại học, nhất là 5 đại học, học viện đã có sáng kiến cùng tổ chức hội thảo tại Đại học Đà Nẵng và hợp tác liên minh đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Thứ trưởng lưu ý lưu ý, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này. Đồng thời, phải xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…

qq-1697855822.jpg
5 cơ sở giáo dục đại học cùng ký kết biên bản hợp tác liên minh

Tại hội thảo, các đại biểu, các đại học, trường đại học, doanh nghiệp, chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành đã có các tham luận liên quan đến công nghiệp bán dẫn tại đơn vị. Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) báo cáo về thực trạng và định hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Dịp này, 5 trường Đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cùng ký kết hợp tác liên minh các đại học Việt Nam cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn. Theo đó, các trường thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để tăng số lượng người học từ xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và tạo dựng đội ngũ chuyên gia xuất sắc về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học.

Mục tiêu của ký kết là phát huy tiềm năng, thế mạnh của các trường để thống nhất kế hoạch hành động và mở rộng cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045./.