Hơn 42.000 xe đã được cấp mã QR Code
Tổng cục Đường bộ VN cho biết, để tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông thông suốt 24/24h, giảm thời gian kiểm tra, kiểm soát khi phương tiện đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh, ngành GTVT đã thực hiện cấp thẻ nhận diện phương tiện kèm mã QR Code thông qua phần mềm của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và phần mềm của Tổng cục Đường bộ VN. Tính đến 12h ngày 20/7/2021, đã cấp được hơn 42.000 xe.
Từ ngày 19/7/2021, Tổng cục Đường bộ VN đã xây dựng xong và đưa vào sử phần mềm đăng ký thẻ nhận diện phương tiện (có mã QRCode) áp dụng cho 63 Sở GTVT các tỉnh, thành phố.
"Để việc triển khai đăng ký thẻ nhận diện được nhanh chóng, thuận tiện, Sở GTVT các tỉnh, thành phố cần tuyên truyền đến các đơn vị vận tải trên địa bàn khẩn trương đăng ký tại địa chỉ www.luongxanh.drvn.gov.vn để giải quyết cấp mã QR Code", Tổng cục Đường bộ VN thông tin.
Đối tượng được cấp mã QR Code gồm: Xe ô tô vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19, ga, xăng dầu; xe vận chuyển hàng cứu trợ.
Các loại xe do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại địa phương cho phép hoạt động gồm: Xe ô tô vận chuyển công nhân, người lao động, chuyên gia phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, xe vận chuyển người từ vùng dịch về các địa phương.
Thời gian Sở GTVT tiếp nhận thông tin, giải quyết và trả kết quả tối đa không quá 24 giờ.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về thông tin khai báo
Cũng theo Tổng cục Đường bộ VN, kết quả sẽ được hệ thống gửi tự động về địa chỉ email lái xe đã đăng ký hoặc truy cập vào tài khoản do đơn vị đăng ký trên hệ thống. Doanh nghiệp vận tải tự in giấy nhận diện phương tiện kèm theo mã QR Code lên giấy (khổ A5) để dán trên kính phía trước và in lên giấy (khổ A4) để dán thêm lên kính hai bên cửa xe nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát.
Tổng cục Đường bộ VN đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phối chỉ đạo lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn nghiên cứu các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các phương tiện có dán thẻ nhận diện phương tiện để đảm bảo lưu thông thông suốt 24/24h, hạn chế ùn tắc giao thông, ùn ứ hàng hoá tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn địa phương.
Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hoá là hàng mau hỏng (hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh) thực hiện in bổ sung thêm nhãn “Hàng mau hỏng” trên giấy màu vàng, đóng dấu treo của đơn vị, thực hiện dán trên kính phía trước và trên kính hai bên thành xe.
Mã QR Code trên thẻ nhận diện phương tiện sẽ tự động huỷ trong các trường như khi hết thời hạn ghi trên thẻ nhận diện; lực lượng chức năng phát hiện phương tiện hoạt động không đúng hành trình đăng ký; trong trường hợp cơ quan cấp phát hiện đơn vị vận tải khai báo thông tin không trung thực.
Đơn vị vận tải, lái xe phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đã đăng ký khi cấp thẻ nhận diện và các thông tin cung cấp cho các chốt kiểm soát và các Sở GTVT trong quá trình vận chuyển. Đồng thời, phải có phương án quản lý chặt chẽ lái xe và người đi theo xe, hạn chế tiếp xúc để đề phòng và đảm bảo an toàn, ngăn chặn lây lan dịch bệnh cả trước, trong và sau khi vận chuyển.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, đơn vị này đã công bố “luồng xanh” vận tải cho phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông thông suốt trên 63 tỉnh, thành, không riêng gì các tỉnh bị giãn cách theo Chỉ thị 16.
Tuy nhiên, ông Huyện cho biết, hiện tại còn một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nội xảy ra ùn tắc nơi cửa ngõ là do địa phương thực hiện chưa thống nhất trong kiểm tra y tế tại các chốt kiểm dịch. Bên cạnh đó, nhiều lái xe thuộc các tỉnh, thành không có dịch còn chủ quan chưa thực hiện.
"Sau hơn 2 ngày công bố hệ thống cấp mã QR Code, mã này tích hợp được toàn bộ các thông tin về doanh nghiệp, lái xe. Sở GTVT các tỉnh, thành phố khẩn trương tuyên tuyền cho doanh nghiệp, khai báo thông tin, cấp mã QR Code cho lái xe. Khi đến các chốt kiểm dịch kiểm tra các thông tin về lái xe, hành trình vận chuyển bằng mã QR Code, lái xe không mất thời gian chờ đợi. Sở GTVT chỉ là công tác hậu hiểm tại nơi lấy và trả hàng", ông Huyện nói.
Các phương tiện vận chuyển hàng hoá là các loại hàng mau hỏng (hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh), các loại hàng thiết yếu, hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì không cần đăng ký, không cần dán thẻ nhận diện phương tiện (có mã QRCode) trên xe.