Chính phủ đã xem xét các đề án xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025
Hôm nay (3/6), tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5/2021.
Ngoài các thành viên Chính phủ, tham dự phiên họp có Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; trợ lý Tổng bí thư Đinh Văn Ân; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự họp trực tuyến tại các điểm cầu địa phương.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự phiên họp tập trung thảo luận các vấn đề trên tinh thần: nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; người dân, doanh nghiệp hưởng ứng thật và được thụ hưởng thật các thành quả.
Tại phiên họp, các đại biểu nghe báo cáo và thảo luận về công tác phòng, chống dịch Covid-19; đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tháng 5 và 5 tháng năm 2021; dự báo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ cũng xem xét các đề án về thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV và một số vấn đề quan trọng khác.
Về tình hình kinh tế, tính lũy kế 5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 14 tỉ USD, tăng 8,8%; xuất khẩu đạt trên 130 tỉ USD, nhập khẩu trên 131 tỉ USD, nhập siêu 0,37 tỉ USD; chỉ số CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước đạt gần 50% dự toán năm, tăng 15,2% so với cùng kỳ...
Phiên họp cũng làm rõ, phân tích kỹ lưỡng một số hạn chế, bất cập như: một số cơ quan, địa phương, cá nhân còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, nhất là vốn ODA…
Phát biểu kết luận phiên họp buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, vì vậy cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao; tiếp tục tinh thần "chống dịch như chống giặc"; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công; thực hiện hiệu quả hơn "chiến lược vắc xin"; triển khai ứng dụng công nghệ bắt buộc vào phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch...
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; lãi suất, tỉ giá ổn định; sản xuất công nghiệp tăng khá; duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu; tăng thu hút đầu tư nước ngoài; thu ngân sách đạt kết quả tương đối tốt; an sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định; an ninh quốc gia, quốc phòng được giữ vững; đối ngoại được tăng cường...
Còn hạn chế, bất cập
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập như: vẫn còn những nơi, những lúc bị động, lúng túng trong phòng chống dịch Covid-19 và có những cơ quan chưa kịp thời, hiệu quả trong thực hiện giải pháp; chiến lược vaccine triển khai còn chậm; đầu tư công vẫn chậm và khó khăn, chưa đạt mục tiêu về mặt tiến độ.
Nhập siêu có biểu hiện tăng; xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khối có vốn đầu tư nước ngoài; tội phạm, nhất là tội phạm trên không gian mạng xuất hiện nhiều và ảnh hưởng tới đời sống xã hội...
Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân khiến vẫn tồn tại những khó khăn trên chủ yếu là nguyên nhân chủ quan như: một số bộ, ngành chưa nắm chắc, bám sát tình hình, đưa ra giải pháp chưa phù hợp, kém hiệu quả, điều hành lúng túng; vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ; một số cá nhân, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, gương mẫu trong tổ chức và điều hành công việc thuộc phạm vi, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao...
Nhận định về tình hình sắp tới, Thủ tướng cho rằng khó khăn, thách thức và cơ hội đan xen, song dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn vì dịch Covid-19 nguy cơ bùng phát mạnh hơn, ảnh hưởng lớn hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành thực hiện các giải pháp như: tăng cường nhận thức về những khó khăn, thách thức, vướng mắc đang phải đối diện để nỗ lực và lấy đó làm động lực để phấn đấu, vươn lên khẳng định và phát triển;
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại liên quan thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là liên quan đến vaccine, đầu tư công, kinh tế vĩ mô, các dự án thua lỗ, yếu kém; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, đặc biệt là tiết kiệm ngân sách để chi cho các trọng điểm và vùng đặc biệt khó khăn;
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các cấp chính quyền, nhất là các địa phương trọng tâm của dịch Covid-19 như Hà Nội, TP. HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh và các lực lượng tuyến đầu chống dịch như quân đội, công an, đặc biệt là lực lượng y tế đã quyết liệt, không quản khó khăn gian khổ trong phòng, chống dịch Covid-19, vì sức khỏe nhân dân./.