Đồng ý với định hướng phát triển của Hà Tĩnh, Thủ tướng nêu 3 câu hỏi, đồng thời đề nghị tỉnh phấn đấu tự cân đối ngân sách vào năm 2025.
 
Sáng nay, 4/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.


 
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh
 
Theo báo cáo của tỉnh, năm 2019 kinh tế của tỉnh tăng trưởng gần 11%, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ; quy mô nền kinh tế đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần so năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, công nghiệp- xây dựng và dịch vụ chiếm gần 87%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 13.800 tỷ đồng. 
 
Về định hướng phát triển, Hà Tĩnh xác định giai đoạn 2021 - 2030 sẽ xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững về kinh tế, công bằng về xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh. Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm 20 tỉnh hàng đầu cả nước. 
 
Quan điểm phát triển của Hà Tĩnh là “Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; lấy con người làm trung tâm, khoa học - công nghệ là nền tảng, động lực; khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị văn hoá, con người Hà Tĩnh... 
 
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Tĩnh là quê hương giàu truyền thống cách mạng, giàu truyền thống vươn lên, vượt qua khó khăn. Phát huy tinh thần đó, Hà Tĩnh đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển. 
 
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại như phát triển chưa đồng đều trong các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế cao nhưng lại thấp hơn Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại chưa thực sự vững chắc. Chưa phát huy được sức mạnh của khu kinh tế Vũng Áng, chưa phát huy được các thế mạnh về du lịch như bãi biển đẹp, các khu du lịch... 
 
Từ thực tế đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 3 câu hỏi đối với Hà Tĩnh: "Thứ nhất Hà Tĩnh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số như thế nào? Chúng ta hiểu được cái này và chuyển được là rất quan trọng. Thứ hai Hà Tĩnh hiểu và tận dụng 13 hiệp định thương mại tự do ra sao? Người dân và doanh nghiệp hiểu được điều đó chưa? Và từ đó các đồng chí phải tìm lợi thế phát triển của địa phương, có thể nói cảng nước sâu là một lợi thế. Ý chí con người của Hà Tĩnh, môi trường sạch của Hà Tĩnh... Những vấn đề đó chúng ta cần có tầm nhìn, qua đó tiếp thu hoàn thiện văn kiện khi tiến hành đại hội Đảng các cấp, phát huy sức mạnh từ cơ sở, từ người dân".
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí các mục tiêu tổng quát, cần tiếp tục xây dựng phát triển công nghiệp, đồng bộ, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng. Thủ tướng cũng mong muốn tăng trưởng của Hà Tĩnh sớm lọt vào top 20 tỉnh thành cao nhất nước. Cùng với đó là tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển môi trường công nghệ thông tin hiện đại, phát triển Chính phủ điện tử và trở thành một trong 10 tỉnh có chỉ số Chính phủ điện tử cao của cả nước. 
 
Đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo tiến độ và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Tiếp tục tinh giản bộ máy, cải cách hành chính; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, coi đây là yếu tố then chốt. Tỉnh cũng cần có biện pháp phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Chú trọng công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng.
 
Nêu các lợi thế du lịch, Thủ tướng cho rằng, Hà Tĩnh cần nghiên cứu phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, lịch sử, tâm linh. 
 
Trước thực tế dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ quyết tâm thực hiện 2 mục tiêu là vừa chống dịch thành công, vừa đạt các mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu Hà Tĩnh đóng góp vào mục tiêu chung này. 
 
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho ý kiến chỉ đạo về một số kiến nghị của tỉnh Hà Tĩnh và yêu cầu các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển.